Để phát huy thế mạnh của vùng, nâng cao thu nhập cho bà con, năm 2012 Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã phối hợp với trạm khuyến nông huyện Nam Đàn, xây dựng mô hình dưa chuột sạch theo hướng VietGAP với quy mô 1.5ha. Ban đầu có 20 hộ tham gia, bà con được hỗ trợ 100% tiền giống, ngoài ra còn được trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm.
Người dân xã Xuân Lâm sản xuất dưa chuột sạch theo hướng VietGAP
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Phan Văn Hảo xóm 16 xã Xuân Lâm trồng 3 sào dưa chuột trên đất ruộng. Ông Hảo cho biết: "Năm nay vùng dưa hai xóm 16, 17 rất được mùa, mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng được bà con nông dân chăm sóc và thoát ngập úng nhanh, nên không ảnh hưởng gì tới chất lượng cũng như hiệu quả của cây trồng cả. Giá dưa chúng tôi bán tại vườn cũng từ 8 đến 10.000 nghìn đồng/kg”.
Cạnh đó bà Hồ Thị Nga cũng cho hay: “Từ ngày tham gia mô hình trồng dưa chuột theo hướng VietGAP, bà con nông dân có thu nhập ổn định, nhiều nhà có của ăn của để, kinh tế đi lên, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Bên cạnh đó, niềm vui lớn nhất là chúng tôi được cung cấp thực phẩm sạch, đạt an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng tròng xã, các địa bàn lân cận. Hi vọng sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ, để nhiều bà nội trợ được sử dụng nông sản sạch như chúng tôi”.
Dưa chuột trồng theo đúng khoa hoạch kỹ thuật cho năng suất cao
Cũng theo người dân nơi đây, giống dưa chuột địa phương trồng khá đơn giản và thích hợp trên đất tơi xốp, vốn đầu tư ban đầu vừa phải, chi phí thấp, chỉ với một bộ giàn nứa cho dưa leo, nếu bảo quản tốt có thể dùng cho 3 đến 4 vụ, chi phí và nhân công chăm sóc không nhiều.
Hiện, toàn xã có khoảng 7ha đất ruộng được người dân chuyển đổi sang trồng dưa tập trung chủ yếu ở xóm 16 và 17. Có thể khẳng định đây là mô hình kinh tế hiệu quả, nhưng để cho dưa chuột phát triển bền vững cần kế hoạch sản xuất cụ thể từ khâu chăm bón đến khâu bao tiêu sản phẩm.
Lưu Khuyên (Kinh Tế Nông Thôn)