Mô hình đưa các giống cam Vinh, cam V2, cam đường Canh ở xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bước đầu đã cho kết quả rất khả quan. Một số vườn "tam cam", đặc biệt là giống cam Vinh trồng thí điểm đã thu được tiền tỷ/ha nhờ áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm cam Vinh trồng tại xã Chiềng Ban với các dòng cam khác trên thị trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La (TT&BVTV) đã phối hợp với 1 số hộ nông dân thí điểm phương pháp chăm sóc mới. Phương pháp này tập trung nâng cao chất lượng, năng suất, đặc biệt là áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu: tưới ẩm, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Nhóm tác giả nghiên cứu đã thực hiện mô hình nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cải tạo, phát triển và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm quả cam ở Chiềng Ban.



Chiều ngày 28.11, tại UBND xã Chiềng Ban, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La (TT&BVTV) đã phối hợp với nhóm tác giả nghiên cứu tổ chức “Hội thảo đánh giá mô hình cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng giống cam Vinh tại bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, TP Sơn La.” Mô hình được thực hiện từ năm 2015, đến nay mô hình  trồng cam Vinh, cam V2, cam đường Canh của Chi cục BVTV đã có những kết quả khả quan: Trái sai, quả to, mọng, vỏ sáng, ruột ngọt...

Cam Chiềng Ban có vị ngọt đượm, thơm hơn so với các loại cam khác trên địa bàn tỉnh Sơn La

 

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ, phân bón

Vườn cam của ông Đỗ Xuân Khởi – bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban là một trong những vườn cam tham gia từ đầu vào mô hình đầu tư này. Sau 3 năm thực hiện, qua kiểm tra đánh giá năng suất, chất lượng đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, tại vườn có những cây đạt trên 120kg, bình quân có những cây đạt từ 60 – 70 kg, với diện tích 1ha trồng 500 cây thì năng suất từ 25 đến 30 tấn/năm, giá bán 25 – 30 nghìn đồng/kg tại vườn đã cho thu nhập gần tỷ đồng/năm.


 

Nhiều hộ nông dân đến thăm quan, học hỏi mô hình ông Khởi

Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng chi cục TT&BVTV tỉnh Sơn La cho biết: “Trước đây, khi chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào cây cam thì năng suất, chất lượng cây cam ở Chiềng Ban rất thấp. Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ tự chế từ nguồn tôm, cá nhỏ lòng hồ sông Đà, phân bón lá cao cấp HP, phân bón hữu cơ vi sinh KOMIX, cắt tỉa cành tạo tán, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước... thì vườn cam của chúng tôi đã thật sự thành mẫu vườn tiền tỷ. Điển hình như mô hình vườn cam của ông Khởi.”

Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng chi cục TT&BVTV hướng dẫn kỹ thuật ủ phân từ nguồn tôm cá nhỏ lòng hồ sông Đà cho bà con nông dân

Tại mô hình vườn mẫu của mình, ông Đỗ Xuân Khởi đã có những chia sẻ hết sức quý báu: Niềm đam mê cây trồng của tôi đã được nhóm nghiên cứu của Chi cục TT&BVTV tỉnh Sơn La hỗ trợ chu đáo với nhiều giải pháp: Sử dụng cá nhỏ ủ làm phân bón thúc cho cam, điều chỉnh những nguồn vi lượng trong đất giúp cam ngọt hơn, thơm hơn và sáng màu hơn. Tôi cũng được hướng dẫn cách xen các loại cam với bưởi trên một diện tích, cách chăm bón theo công nghệ 4.0 mà báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt đã thảo luận vừa qua. Từ nay, tôi tin rằng một ha đất này có thể cho thu nhập gấp 4 lần trồng cà phê nếu làm đúng cách. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng cách làm này sang nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn để có những mùa vàng no ấm hơn.


 

Nhiều hộ dân chăm chú nghiên cứu tài liệu trong buổi hội thảo

Dân Việt