Thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, gia đình anh Lê Hồng Điệp đã trở thành địa chỉ để nhiều người dân trên địa bàn Hà Tĩnh đến tham quan, học hỏi.
Cũng từ nhu cầu của bà con trong việc nhân giống, mở rộng diện tích, ngay sau vụ thu hoạch vừa qua, anh đã chặt tỉa cành để cung cấp giống.
Xử lý cắt cành thanh long giống
Với diện tích vườn hơn 4 ha, trước đây anh Lê Hồng Điệp ở thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc chủ yếu trồng lúa và các loại rau màu ngô, khoai, lạc… hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, trong một dịp vào miềm Nam thăm người thân, anh được tận mắt ngắm những vườn cây trái sai trĩu quả. Anh đặc biệt chú ý hơn đến cây thanh long ruột đỏ, vì giống cây này chưa được trồng nơi quê nhà, anh mang một ít "mồi" về trồng.
Sau gần 1 năm trông ngóng, cây thanh long đã đơm hoa kết trái. Vị ngọt, màu đỏ tươi của thanh long không khác gì trồng ở miền Nam. Với niềm phấn khởi đó, năm 2016, anh Điệp đã mạnh dạn trồng 500 gốc trong vườn nhà.
Thành công đã đến với anh, vụ đầu tiên anh bỏ túi gần 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2017 anh trồng thêm 1.500 gốc, đầu năm 2018 anh tiếp tục trồng 500 gốc. Đến nay trên diện tích vườn gần 2 ha, anh Điệp đã có gần 2.500 gốc thanh long ruột đỏ.
Anh Điệp chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất cát lại ít sâu bệnh. So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi gốc cho thu hoạch 25 - 30kg”.
Theo anh, mùa vụ thu hoạch chính của thanh long từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Khi cây đủ dinh dưỡng, giống tốt sẽ cho quả thơm ngon, có vị đậm đà cùng màu vỏ đỏ tươi bắt mắt nên người dùng khá ưa chuộng. Cứ 2 ngày anh thu hoạch 1 lần, quả chín đến đâu khách đặt mua đến đó. Năm 2018 này, gia đình anh thu được gần 13 tấn thanh long, thu nhập gần 300 triệu đồng.
Là người tiên phong đưa thanh long ruột đỏ về trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vườn cây của anh Lê Hồng Điệp được bà con trong và ngoài xã đến tham quan học tập. Nhiều người đã hỏi mua giống về trồng. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Điệp đã tiến hành cắt cành thanh long giống đem bán.
Vườn thanh long của anh Điệp
Anh chia sẻ: “Mỗi gốc thanh long chỉ để lại 200 - 250 cành, còn lại cắt cành có độ dài khoảng 50 - 60cm có thể làm giống rất tốt. Hiện anh bán với giá 7.000 đồng/cành.
Theo anh Điệp, đây là mức giá hợp lý, thấp hơn một nửa so với mức giá gia đình anh đã từng mua. Cành thanh long giống đã được anh Hiệp xử lý nấm bệnh và kích thích ra rễ, bà con mua cành mang về trồng trực tiếp vào đất vườn. Ai có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật, anh đều chia sẻ tận tình và có thể đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Mùa thanh long năm nay, gia đình anh Lê Hồng Điệp có thêm nguồn thu hơn 150 triệu đồng từ hơn 2 vạn mồi giống. Hiện nhu cầu nhân giống thanh long ruột đỏ của người dân còn rất lớn, do đó thời gian tới ngoài việc thu hoạch từ quả thanh long, gia đình anh sẽ tiếp tục nhân giống, cung cấp cho bà con.
HÀ TRẦN (Nông nghiệp VN)