Ông Tẩn Láo Lù, thôn thôn Khu Chu Phìn I, xã Nậm Pung, huyện Bát Sát (Lào Cai) trồng 1ha lê Tai Nung. Năm nay vườn lê nhà ông bước sang tuổi thứ 2 cho quả với sản lượng khoảng 5 tấn, giá bán 30-35.000 đồng/kg tại vườn, doanh thu đạt 150 triệu đồng, lãi ròng 100 triệu đồng. Nhiều hộ ở Nậm Pung cũng có thu nhập cao từ giống lê cây còn thấp mà trãi trĩu cành này...

Xã Nậm Pung (Bát Xát) có 4 thôn, chủ yếu là người Dao và Hà Nhì sinh sống. Từ năm 2010, người dân Nậm Pung đưa giống lê Tai Nung (VH6) vào trồng. Đến nay, toàn xã có trên 80 ha lê Tai Nung, trong đó có 15 ha cây đã cho thu hoạch quả.


Ông Tẩn Lào Lù bên vườn lê Tai Nung.

Đến gia đình ông Tẩn Láo Lù, thôn Khu Chu Phìn I, xã Nậm Pung, chúng tôi thật sự bất ngờ về vườn lê Tai nung sai trĩu quả của gia đình. Ông Lù cho biết: Khi huyện có chủ trương đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, ông mạnh dạn trồng thử 1 ha cây lê Tai nung. Được sự giúp đỡ các phòng, ban chuyên môn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện từ khâu trồng đến bón phân, vin cành và bọc quả, đến nay, mùa thứ 2 cây cho thu hoạch quả.


Những cành lê Tai Nung thấp tè mà sai trĩu quả. Ảnh: Hoàng Trường-Phạm Thúy.

Ông Tẩn Láo Lù ước tính, vụ này, vườn lê Tai Nung cho thu 5 tấn quả, với giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg loại 1 tại vườn, gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Ông khẳng định: Trồng lê Tai Nung hiệu quả kinh tế cao hơn trồng các loại cây khác.

Hiện nay, huyện Bát Xát đã trồng được 200 ha lê Tai Nung VH6, tập trung ở các xã vùng cao Y Tý, Pa Cheo và Nậm Pung. Năm 2018, gần 80 ha cho thu hoạch quả, năng suất đạt từ 10-15 tấn quả/ha.


Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ đoàn viên thanh niên xã Nậm Pung cách chăm sóc lê Tai Nung. Ảnh: Hoàng Trường-Phạm Thúy. 

Ông Lưu Trọng Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nếu chăm sóc để vườn cây phát triển tốt, cùng với kỹ thuật vin cành, bón phân đúng liều lượng thì lê Tai Nung cho năng suất sẽ đạt từ 15-18 tấn/ha. Chất lượng quả lê cao với hương thơm, vị ngọt thanh mát đặc trưng. Diện tích lê cho quả hiện nay gần như đã có khách hàng đặt thu mua hết.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi diện tích lê Tai Nung trên địa bàn huyện được mở rộng, cần có kế hoạch đầu ra ổn định cho sản phẩm. Rất mong có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp cùng vào cuộc, tạo điều kiện cho nông dân vùng cao phát triển và mở rộng diện tích trồng lê Tai nung, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo Tâm Đào (Báo Lào Cai)