(TBKTSG Online) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.
   

Quy định về xuất khẩu gạo đã loại bỏ nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường. Ảnh: TL. 

Chiều tối 4-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Trước đó ngày 19-9-2016, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn triển khai thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có công văn số 8768/BCT-XNK kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép bãi bỏ quy hoạch này ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Sự gia tăng gần như liên tục này trong suốt hơn hai thập kỷ qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân.

Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là những quốc gia xuất khẩu gạo chính trên thế giới, chiếm tới 71,81% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trung Quốc, Negeria, Iran và Indonesia là những nước nhập khẩu gạo chính, nhưng chỉ chiếm 23,32% tổng lượng gạo nhập khẩu toàn cầu. Điều này cho thấy các nước xuất khẩu gạo có xu hướng tập trung hơn, trong khi các nước nhập khẩu khá phân tán. Mỗi quốc gia xuất khẩu gạo thường có những thị trường xuất khẩu chủ yếu của riêng mình và cạnh tranh trong những thị trường xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 khoảng 6,5 triệu tấn, tương ứng thành tích xuất khẩu năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thể đạt được.

Số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến hết ngày 15-12-2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỉ đô la Mỹ. Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu đô la so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường. Trước đó năm 2010, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt từ 6,3 - 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch khoảng 2,7 - 3,3 tỉ đô la. Gạo luôn là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 sau thủy sản, cà phê.

Từ năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,6 tỉ đô la; năm 2013, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm sút với khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỉ đô la; năm 2014, xuất khẩu giảm còn 6,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỉ đô la và năm 2015, Việt Nam chỉ giữ mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn/năm.

Nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades; do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân (diện tiểu ngạch). Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty (ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất gượng ép do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.

Trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, góp phần đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân