(Chinhphu.vn) - Sáng nay (20/9), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cà Mau là một trong những tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trong khi sản xuất nông nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Hơn 8 tháng qua, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến sản lượng thủy sản, trong đó có tôm - một sản phẩm thế mạnh của tỉnh, bị sụt giảm.
Theo báo cáo của tỉnh, tổng sản lượng thủy sản là 328.100 tấn, đạt 62% kế hoạch, giảm 4% so cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm là 103.520 tấn, giảm 4% so cùng kỳ và chỉ đạt 56% kế hoạch. Tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi cũng khiến năng suất nuôi tôm sụt giảm mạnh. Do thời tiết không thuận lợi, lượng mưa ít, nên việc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm khó khăn, khó đạt chỉ tiêu kế hoạch 50.000 ha.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hiện tỉnh đang tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 6 ngành hàng nông sản chủ lực là lúa chất lượng cao, keo lai, cá bổi, tôm sinh thái, cua biển và chuối. Thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đến nay, bình quân mỗi xã trong toàn tỉnh đạt 13,3/19 tiêu chí, có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong 8 tháng qua, Cà Mau có 326 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên gần 4.600 doanh nghiệp. Tỉnh cũng thu hút được 26 dự án đầu tư, tổng vốn trên 6.376 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch của tỉnh khá sôi động, đã đón gần 761.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt 71% kế hoạch của năm. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 568 triệu USD, bằng 44% kế hoạch.
Biểu dương các kết quả tích cực mà Cà Mau đạt được thời gian qua, Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của tỉnh trong việc khắc phục hậu quả của tình trạng hạn mặn. Thủ tướng cho rằng, Cà Mau, tỉnh cực nam của Tổ quốc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu. Đây là nguy cơ, thách thức và cũng là thời cơ, cơ hội mà Cà Mau có thể tận dụng để phát triển.
Cho rằng Cà Mau cần nhìn thẳng vào mặt tồn tại, Thủ tướng nhấn mạnh, Cà Mau phải phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá ở ĐBSCL.
“Cà Mau phải có chính sách mạnh mẽ hơn, cả hệ thống chuyển động tốt hơn để phấn đấu thu hút nguồn lực nhiều hơn cho phát triển”, Thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, có sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập người nông dân; quy hoạch xây dựng thành một vùng nuôi tôm hàng đầu theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Chú trọng quy hoạch gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính tốt hơn. Tiếp tục bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó quan tâm bảo đảm an toàn cho ngư dân. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Cà Mau cần làm tốt công tác xúc tiến, tạo làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.
Về các đề xuất của Cà Mau, Thủ tướng nhất trí bổ sung vốn đầu tư cho các công trình khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và đề nghị tỉnh quan tâm cung cấp nước sạch, bảo đảm người dân không thiếu nước nếu hạn hán tiếp tục xảy ra.
Thủ tướng cũng lưu ý Cà Mau về việc chống sạt lở bờ biển ở Đất Mũi, trong đó, tập trung xử lý những đoạn xung yếu.
Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng làm việc nhiều với Cà Mau để hỗ trợ tỉnh trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nông thôn. Bộ Công Thương phải dồn sức để làm sao khí tự nhiên có thể vào bờ ở Cà Mau; các nhà máy đạm, nhiệt điện Cà Mau phát huy hết công suất.
Đức Tuân