Nông dân Campuchia sử dụng blockchain với hy vọng bán được gạo của họ với giá tốt nhất.
Oxfam, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chống đói nghèo và bất công đã mang công nghệ này đến cho nông dân ở tỉnh phía Bắc Preah Vihear nhằm ghi mã hóa các giao dịch lúa gạo. Được gọi là Blocrice, dự án khởi động trong năm nay với đối tượng ban đầu là 50 hộ nông dân trồng gạo hữu cơ (organic). Oxfam đã có kế hoạch mở rộng Blocrice ra khắp Campuchia, sang cả các lĩnh vực cây trồng khác.
Sổ cái Blocrice sẽ ghi lại hợp đồng giữa các bên nông dân, hợp tác xã, thương lái, nhà xuất khẩu và các bên liên quan khác. Những dữ liệu về giá đặt mua, số lượng, phương pháp vận chuyển… sẽ được số hóa, cập nhật, lưu giữ ở nhiều nơi, không bên nào có thể sửa đổi, thao túng các dữ liệu này. Việc thanh toán cho nông dân qua các tài khoản ngân hàng cũng được Blocrice tự động cập nhật.
Có khoảng 60% lực lượng lao động Campuchia làm việc cực nhọc trong lĩnh vực nông nghiệp. Rất ít người, đặc biệt là những nông dân thu nhập thấp, có những hợp đồng thích đáng với thương lái. Nhiều người thiếu kiến thức và thông tin về giá cả thị trường. Nhiều người cũng mang món nợ lãi suất cao, luôn bị đặt dưới sức ép phải bán thành quả lao động của họ với giá thấp để trả nợ.
Với Blocrice, họ sẽ có sức mạnh tập thể trong thương lượng giá cả, theo ông Solinn Lim, giám đốc Oxfam tại Campuchia. “Blocrice sẽ mang sự minh bạch, hiểu biết tài chính, truy xuất nguồn gốc đến cho các nông trại ở Campuchia, qua đó cũng giúp nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Campuchia”, ông Kann Kunthy, giám đốc công ty xuất khẩu gạo Amru Rice cũng tham gia vào dự án, nhận xét
Theo ông Kunthy, việc này đặc biệt có ý nghĩa đối với các thị trường phương Tây. Các nhà bán lẻ nước ngoài có thể truy cập vào hệ thống Blocrice để xem nguồn gốc gạo từ đâu, để giám sát xem các thương lái, nhà xuất khẩu có lừa bịp, ép giá nông dân hay không. Nếu có, họ sẽ từ chối nhập khẩu.
Xuất khẩu gạo Campuchia đã tăng liên tiếp trong hai thập niên trở lại đây nhờ chính sách miễn thuế nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) dành cho những nước nghèo trong chương trình Everything But Arms (miễn thuế mọi mặt hàng, trừ vũ khí). Trong 8,9 triệu tấn gạo Campuchia sản xuất năm ngoái có 600.000 tấn xuất cảng và một nửa số đó đến EU.
Chính Phong (TBKTSG Online)