Việc không được áp thuế giá trị gia tăng đã khiến hoạt động sản xuất phân bón gặp vô vàn khó khăn trong bối cảnh phân bón giả, kém chất lượng đang là vấn nạn, cạnh tranh quốc tế thì ngày càng gay gắt...
Ảnh minh hoạ.
Trao đổi với báo chí tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam”, ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã thẳng thắn, hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón ở Việt Nam hiện đang tồn tại quá nhiều vấn đề bất cập. Phân bón giả, kém chất lượng đang là vấn nạn đối với nền kinh tế, với hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại không chỉ với người nông dân mà còn với cả ngân sách nhà nước và doanh nghiệp sản xuất.
Nhức nhối là vậy nhưng ông Thuý cũng cho rằng hệ thống quản lý, giám sát cũng như xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng lại đang có vấn đề, thậm chí là có lợi ích nhóm, bảo kê cho các đối tượng làm phân bón giả, kém chất lượng.
Không chỉ vậy, chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất phân bón cũng lại đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, kể từ khi Luật 71/2014/QH13 về thuế có hiệu lực, nông dân được giảm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua phân bón, còn các doanh nghiệp sản xuất phân bón thì không. Và bình quân thuế VAT không được khấu trừ này, doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá thành khiến giá phân bón tăng.
Hệ luỵ của việc này là phân bón nước ngoài được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Trong khi trên thế giới, giá các mặt hàng đều hạ như than đá hạ 40%; khí hạ; giá phân URE hạ 41,25%; giá phân DAP hạ 25%; phân Kali hạ 19... thì trong nước, giá các nguyên liệu sản xuất phân bón là giá than, khí lại không hạ. Và cộng với việc không được áp thuế VAT khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm phân bón khó lại càng khó hơn, lượng phân nhập khẩu lại tăng cao hơn.
Cũng theo ông Thuý thì từ khi Luật 71 có hiệu lực từ 1/1/2015, nhập khẩu phân URE đã tăng tới 652 ngàn tấn, gấp 2 lần so với 2014 và chỉ riêng 7 tháng 2016, nhập khẩu URE đã tăng tới 360 ngàn tấn, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2015 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất phân bón trong nước. Nhà máy Đạm Ninh Bình phải giảm công suất từ 550 ngàn tấn xuống còn 150 ngàn tấn à vẫn không bán được, thiệt hại năm 2015 và 6 tháng 2016 vào khoảng hơn 2.000 tỉ đồng; Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn thì nay cũng chỉ được 2.000 tấn; Công ty phân đạm Hà Bắc công suất 550 ngàn tấn cũng phải giảm 40% công suất, giá bán giảm 20%...
Với thực tế trên, ông Thuý cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật 71 đối với mặt hàng phân bón theo hướng có lợi cho nông dân. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón bảo đảm chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp...
Cùng đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Minh Tiến – Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho hay: Kể từ khi áp dụng Luật về Thuế 71/2014 thì mặt hàng phân bón trước đây chịu thuế giá trị gia tăng thì nay chuyển thành mặt hàng không chịu áp dụng. Điều này tưởng chừng sẽ giảm giá phân bón xuống cho bà con nông dân, trước đây là 5% nhưng với các doanh nghiệp sản xuất lại không được khấu trừ đầu vào và nó khiến chi phí sản xuất tăng lên. Riêng với 2 doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong năm 2015, riêng thuế đầu vào không được khấu trừ so với năm trước là vào khoảng 550 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh các đơn vị sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Và riêng 9 tháng đầu năm 2016, con số này cũng vào khoảng 300 tỉ đồng. Đặc biệt, tình hình cạnh tranh không lành mạnh của thị trường trong nước bởi tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng dù đã có cải thiện đáng kể nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp.
Bối cảnh như vậy đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Và trong bối cảnh đó, nếu các doanh nghiệp không có sự nỗ lực, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng và của các cơ quan quản lý nhà nước thì ngành phân bón có thể đối mặt với nguy cơ thua trên sân nhà.
“Trước thực tế trên, tôi cho rằng cần phải có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thay đổi việc áp dụng thuế Giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón. Tức đưa mặt hàng phân bón về quy định trước đây là mặt hàng chịu thuế Giá trị gia tăng. Mức thuế có thể dao động từ 0 – 5% tùy sự tính toán của các cơ quan nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi doanh nghiệp có tồn tại thì mới có đóng góp lâu dài hơn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường và chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để chúng ta lành mạnh hóa thị trường phân bón, giúp thị trường này phát triển một cách bền vững hơn trong thời gian tới” – ông Tiến nói.
Thanh Ngọc (theo petrotimes.vn)