NNVN có cuộc trao đổi với ông Lại Đình Hòe (ảnh), Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, để tìm lời giải.
Để đối phó với tình hình hạn hán xảy ra ngày càng phức tạp, theo ông, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ phải đi theo hướng nào để giảm thiểu thiệt hại?
Trước đây, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thỉnh thoảng mới bị hạn. Thế nhưng trong những năm gần đây dường như năm nào cũng bị, năm sau hạn gắt hơn năm trước. Tây Nguyên thường bị hạn trong vụ ĐX, vùng Duyên hải Nam Trung bộ thì gặp hạn trong vụ hè thu và vụ mùa. Để chung sống với hạn, không gì khác hơn phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đặc biệt là chuyển những diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn cần nước tưới ít hơn như: ngô, lạc, đậu, rau quả, cỏ cho bò…
Tuy nhiên hiện nay, vùng nào chuyển trồng cây gì cho phù hợp thì chưa địa phương nào có nghiên cứu cụ thể.
Bộ NN-PTNT vừa giao nhiệm vụ cho Viện chúng tôi tổ chức khảo sát trên toàn vùng, điều tra số lượng cụ thể diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn của từng địa phương, tập trung ở vùng nào.
Trên cơ sở đó xác định cây trồng nào phù hợp cho việc chuyển đổi đồng thời nghiên cứu kỹ thuật thâm canh cho loại cây trồng ấy.
Theo ông, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải thực hiện như thế nào để thật sự hiệu quả?
Trước nay, các địa phương trong vùng cũng đã thực hiện chuyển đổi, nhưng còn manh mún lắm. Trên 1 vùng đất có nơi làm lúa, có chỗ trồng ngô. Tưới đủ nước cho lúa thì ngô bị úng, vừa bất thuận cho tưới tiêu, vừa khó việc chăm sóc.
Cần thiết nhất bây giờ là các địa phương phải thực hiện chuyển theo vùng, đồng bộ 1 loại cây trồng. Được như thế mới thu hút được DN vào đầu tư.
Ví như đâu cứ phải XK mới cần SX lúa chất lượng cao, người tiêu dùng ở các thành phố trong khu vực cũng cần.
Hoặc như vùng Nam Trung bộ có nhiều làng nghề làm bún, bánh, có nghĩa cũng cần có vùng chuyên SX các giống lúa năng suất cao, tinh bột nhiều để cung ứng. Khi đã thành vùng nguyên liệu thì các DN sẽ nhảy vào bao tiêu.
Muốn sản phẩm rộng đường tiêu thụ phải xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm có thương hiệu rồi đầu ra sẽ bớt lo hơn. Ngoài ra, DN sẽ tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị trường, trên cơ sở đó liên kết với nông dân tổ chức SX.
Hiện Viện đã có những nghiên cứu nào giúp nông dân chung sống với hạn?
Những năm qua, để “chia lửa” với nông dân trong vùng, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã tập trung nghiên cứu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày để giảm thời gian cây lúa đứng trên đồng, nhằm làm giảm áp lực nước tưới và rủi ro.
Chúng tôi đã chọn tạo được các giống chịu hạn tốt, năng suất cao như ANC39, ANC14 và các giống cực ngắn ngày như ANS1 và ANS2, trong vụ ĐX các giống này có thời gian sinh trưởng 110 ngày và trong vụ HT và vụ mùa chỉ từ 88-90 ngày.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, chọn tạo các giống lạc chịu hạn, lạc chịu mặn; bởi khi hạn hán thiếu nước các vùng gần biển thường bị xâm nhập mặn.
Viện cũng đã xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi trên đất trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng ngô.
Trong năm 2014, tại Bình Định, chúng tôi đã xây dựng 2 mô hình tại xã Ân Phong (Hoài Ân), xã Mỹ Tài (Phù Mỹ) mỗi mô hình 15 ha và tại xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) 1 mô hình với diện tích 30 ha.
Năm 2015, chúng tôi tiếp tục làm 2 mô hình tại xã Đức Nhuận và Đức Thắng, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) mỗi mô hình 15 ha và tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ (Bình Định) 15 ha.
Theo ông, vướng mắc lớn nhất trong công tác chuyển đổi hiện nay là gì?
Xin nói ngay là đầu ra của sản phản phẩm. Khi chưa chuyển đổi đồng loạt, sản phẩm các loại cây trồng cạn còn ít, vừa sức mua của tư thương thì giá còn ở mức cao.
Nhưng đến khi đã chuyển đổi mạnh, cung vượt cầu, lập tức sản phẩm bị ép giá. Do đó, khi vận động nông dân thực hiện chuyển đổi họ rất đồng tình, nhưng không khỏi lo lắng về đầu ra. Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể để gắn DN với nông dân mới cơ bản giải quyết được vấn đề này.
Riêng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, với nội lực tài chính có hạn, trong quá trình xây dựng mô hình tại các địa phương, chúng tôi đã liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Vụ ĐX 2013-2014 Viện đã thu mua được 900 tấn lúa giống, vụ ĐX 2014-2015 bao tiêu gần 1.000 tấn. Vụ hè này chúng tôi liên kết với tỉnh Phú Yên xây dựng mô hình SX lúa giống giảm mật độ sạ với diện tích 40 ha tại huyện Tuy An.
Trước đây nông dân tỉnh này sạ rất dày, 140-160kg lúa giống/ha, nay chúng tôi chuyển giao kỹ thuật giảm mật độ sạ xuống còn 100 kg/ha. Toàn bộ sản phẩm chúng tôi sẽ thu mua hết.
Các tỉnh miền Trung cần xác định chung sông lâu dài với hạn hán. Trong ảnh: Người dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa tưới nước chống hạn cho ruộng ngô. Ảnh: Nguyên Lý
Đồng thời chúng tôi liên kết với Cty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cam kết thu mua 500 tấn sản phẩm ngô trên những diện tích chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước tưới sang trồng ngô trong năm 2015 này để nông dân yên tâm khi thực hiện chuyển đổi.
Viện có khuyến cáo gì với các địa phương trong việc sử dụng nguồn nước tưới trong bối cảnh hạn hán?
Đối với những vùng trồng lúa, chúng tôi khuyến cáo nông dân thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm để giảm áp lực nước tưới.
Vụ ĐX ở các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ thường rơi vào mùa mưa, mùa này các sông suối luôn đầy nước. Do đó, trong những vụ ĐX các địa phương nên dự trữ nước trong các hồ chứa, tận dụng nước nguồn tự nhiên để SX. Đến vụ hè thu và vụ mùa, nguồn nước dự trữ trong các hồ chứa sẽ cứu được hạn.
Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là ở Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ hầu hết các hồ chứa và các sông lớn thường gắn với thủy điện.
Do đó, ngành thủy lợi các tỉnh và các nhà máy thủy điện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, khi vào vụ gieo sạ là các nhà máy thủy điện cũng vận hành xả nước để nguồn nước vừa phục vụ SX điện vừa phục vụ SXNN khỏi hao phí nguồn nước.
Xin cảm ơn ông!
VŨ ĐÌNH THUNG (NongNghiep.vn)