Nâng giá trị hạt gạo
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, việc xây dựng cánh đồng sản xuất theo quy trình canh tác lúa sạch nhằm cung cấp sản lượng lớn hàng hóa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng giá trị gia tăng bằng mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng.
Cùng với ngành nông nghiệp, mô hình này sẽ có sự phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan là Sở Công Thương, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã… để giúp doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu với sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, thời gian tới, việc xuất khẩu lúa gạo không thuận lợi như trước vì khách hàng bắt đầu yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các đối tác nhập khẩu gạo sẽ cử người đi kiểm tra các vùng lúa nguyên liệu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ phải tự xây dựng vùng nguyên liệu sạch để nâng cao uy tín.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng đề nghị mô hình phải được triển khai ngay vụ Đông Xuân tới, đề nghị ngành nông nghiệp xem xét lại nên gọi là cánh đồng lúa “sạch” hay “an toàn”. Bởi theo ông Dũng, cần phải xác định rõ thế nào lúa “sạch”, lúa “an toàn”, từ đó ban hành quy trình sản xuất cụ thể đúng với cách gọi tên và chất lượng sản phẩm cuối cùng phải đúng như tên gọi. Đồng thời, mô hình phải được gắn với các doanh nghiệp và theo hướng cánh đồng lớn bởi ở Cần Thơ có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết kết sản xuất cánh đồng lớn cùng với việc bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ cho rằng, do mô hình gắn với doanh nghiệp nên phải có sự trao đổi với các đơn vị sẽ tham gia về quy trình, chất lượng cũng như yêu cầu của doanh nghiệp bởi mô hình này sản xuất theo nhu cầu của thị trường. “Tất nhiên, để sản xuất theo quy trình như vậy, chất lượng lúa gạo cao hơn thì công ty phải mua với giá cao hơn cho nông dân”, ông Đào Anh Dũng nói.
Với đề xuất mô hình sẽ được xây dựng trên diện tích 10.000 ha, ông Dũng cho rằng không nên chạy theo số lượng mà phải tập trung vào chất lượng. Do vậy, vụ đầu tiên chỉ nên triển khai khoảng 5.000 ha hoặc ít hơn, khoảng 2.000 ha rồi dần nâng lên trong các vụ tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Công Thương làm việc với các công ty thu mua về quy trình, chất lượng; Liên minh Hợp tác xã vận động các tổ hợp tác, xã viên tích cực tham gia và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm trong việc triển khai.
Cần vùng lúa giống chất lượng
Được xem là đô thị trung tâm của vủng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng thành phố Cần Thơ vẫn là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, chủ yếu là cây lúa. Năm 2017, tổng diện tích lúa 3 vụ của thành phố này là 240.125 ha, tính đến đầu tháng 9 đã thu hoạch hơn 179.000 ha với sản lượng gần 1,1 triệu tấn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Anh Dũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018 cần triển khai ngay kế hoạch hợp tác với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lúa giống.
Ông Dũng cho biết, đây là hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và Viện lúa, hai bên sẽ trực tiếp ký kết các vấn đề liên quan chứ không phải giữa nông dân và Viện như trước đây. Đồng thời, Trung tâm giống nông nghiệp Cần Thơ sẽ phụ trách và chịu trách nhiệm vấn đề này.
Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, TS. Trần Ngọc Thạch cho hay, thời gian qua, Viện đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận cấp Quốc gia về kỹ thuật canh tác lúa, quy trình phòng trừ sâu bệnh… Bên cạnh đó, các giải pháp kỹ thuật do Viện lúa cùng với các tỉnh đưa ra đã được nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả cao.
Với hơn 25.000 ha lúa sẽ xuống giống trong vụ Đông Xuân tới đây, huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của thành phố Cần Thơ. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Cờ Đỏ đang sử dụng 2 giống chủ lực của Viện lúa là OM4218 và OM5451. Đây là hai giống chất lượng cao đáp ứng nhu xuất khẩu. Việc được doanh nghiệp bao tiêu trong những năm gần đây cũng đã dần nâng ý thức của nông dân trong việc sử dụng giống lúa xác nhận, không sử dụng lúa ngang để làm giống vì không đem lại hiệu quả. Theo đánh giá, sử dụng lúa giống xác nhận không chỉ giúp nâng cao chất lượng lúa hàng hóa mà còn ổn định thu nhập cho người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, để khẳng định thế mạnh của ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng vùng lúa giống chất lượng cao, từ đó khẳng định được thương hiệu lúa gạo Cần Thơ.
Ông Hè đề nghị Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với ngành nông nghiệp Cần Thơ trong việc tuyển chọn giống lúa có phẩm chất gạo tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của thành phố để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt gạo./.
Thanh Liêm/TTXVN