Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" diễn ra mới đây, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - đánh giá: Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên tại nhiều địa bàn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, làm thiệt hại lớn cho DN sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân. Các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Các đối tượng còn đăng ký sản xuất nhiều loại phân bón khác nhau, phòng khi bị phát hiện sẽ thay thế loại phân bón khác...

Ông Nguyễn Hạc Thuý - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho hay: Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Năm 2015 là trên 4.000 vụ vi phạm; năm 2016 trên 5.000 vụ. Trong đó, nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.Ông Hoàng Văn Tại - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển - cho rằng: Tác hại của phân bón giả, kém chất lượng đối với DN rất lớn như làm mất thị phần, giảm sản lượng, doanh thu, mất uy tín... Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta mới tập trung chống phân bón giả, nhưng chưa thể chống được phân bón thật nhưng chất lượng giả. 

"Tại sao nhiều vụ vi phạm lớn về sản xuất phân bón giả được phanh phui, nhưng dần chìm xuống, dù cho các hiệp hội vào cuộc, lên tiếng rất nhiều. DN trong cuộc chiến chống phân bón nhái, kém chất lượng chẳng khác gì đang chống cối xay gió" - ông Tại thẳng thắn.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao - cho biết: DN chân chính e ngại nhất là phân bón nhái, kém chất lượng. Chúng ta chưa có quy chuẩn xác định chất lượng sản phẩm phân bón, trong khi các đơn vị này vẫn được cấp phép sản xuất, chỉ khi kiểm tra cụ thể mới phát hiện sai phạm. Các DN này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã bao bì để lừa người dân và cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các DN làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những loại phân bón nhái này. 

Để quản lý chặt chẽ ngành phân bón, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Công ty công nông nghiệp Tiến Nông - kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, xây dựng công cụ kiểm soát, xem hiện nay có bao nhiêu DN và cơ sở sản xuất phân bón, bao nhiêu nhãn mác lưu thông trên thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. 

Theo ông Hoàng Văn Tại, muốn dẹp loạn thị trường phân bón, cần có giải pháp đồng bộ. Trước hết về luật pháp, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định rõ, chi tiết về tên gọi, thành phần cấu thành, tiêu chuẩn định lượng… Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân DN phải tự "cứu mình" bằng nhiều giải pháp như: Cam kết về chất lượng, giá cả, dịch vụ; đổi mới sản phẩm; xây dựng chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng; tập huấn cho nông dân biết cách phân biệt phân bón thật/giả… 

Hạnh - Lộc