Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) tạo thời tiết cực đoan đang thực sự dễ cảm nhận. Nghệ An có tuyết, miền Bắc có một mùa đông nóng ấm. Mưa lũ lớn nhất trong hàng chục năm càn quét các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Siêu bão ngày một mạnh và khốc liệt. Đa dạng sinh học dần bào mòn và biến mất. Nguồn nước ngày một cạn kiệt…
Với một nước nông nghiệp, Việt Nam cần có những ứng phó để thích ứng BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, trong đó chuyển dịch cơ cấu nghiệp thông qua tái cơ cấu ngành nông nghiệp là công cuộc cấp thiết. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghệp trong năm 2016 đã đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu trên 180 quốc gia với khoảng 30 tỷ USD.
Năm 2017, dự báo xuất khẩu sẽ khoảng 35 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2020 là 50 tỷ USD. Nhiều sản phẩm nông sản như lúa gạo, thủy sản, trái cây hiện đang là thế mạnh để xuất khẩu với giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng. Tuy nhiên, sự bất thường của khí hậu, sự cực đoan của thời tiết, đã và đang ảnh hưởng đến quá trình tập trung giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể tuyết rơi ở Thanh Hóa, Nghệ An đã gây thiệt hại 52.000 trâu bò, 150.000 ha lúa đã cấy bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng. Xâm nhập mặn chưa từng có ở khu vực ĐBSCL khiến diện tích 2.056.192 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó tổng diện tích lúa thiệt hại các vụ cuối năm 2015 và năm 2016 là 405.000 ha, hoa màu 8.100ha, cây ăn quả 28.500 ha, 82.000 ha diện tích nuôi tôm…
Hay hạn hán kỷ lục tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khi lượng mưa thiếu hụt khoảng 30 – 50% trung bình năm, có nơi 80%. Đã có khoảng 2.900 ha đất canh tác lúa phải dừng sản xuất, 157.000 ha cây trồng bị hạn hán, số hộ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất là 115.000 hộ.
Nói cách khác, người dân sẽ không thể trồng lúa trên cánh đồng nước mặn. Không thể cày cấy hoa màu khi thiếu nước hay không thể trồng rừng cây công nghiệp khi quá rét. Chính vì vậy, phải tìm sản vật phù hợp thích ứng, để phát triển mặt hàng mũi nhọn, tập trung quốc gia và vùng địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây đã nhấn mạnh, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại ĐBSLC từ tập trung nông sản là lúa gạo, thủy sản, trái cây, nay chuyển dần sang thủy sản, trái cây và lúa gạo theo trình tự, phù hợp với diễn biến nước biển dâng hay dòng chảy thay đổi. Tôm và cá tra là sản phẩm mũi nhọn, dự báo sẽ trở thành ngành hàng chủ lực quốc gia, với giá trị xuất khẩu có thể đạt tới 8 đến 10 tỷ USD đến năm 2025. Nhiều địa phương thay vì trồng cây truyền thống, căn cứ vào cơ chế thị trường đã tìm hướng trồng những cây có tính năng chịu hạn, chịu rét như táo, nhỏ… BĐKH, song nếu biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất, phù hợp với thị trường, sản phẩm sẽ luôn có đầu ra và phát triển mạnh.
“Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung 10 sản phẩm quốc gia có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Tiếp đến là nhóm sản phẩm cấp tỉnh, tập trung vaò những sản phẩm quy mô, đặc sản như xoài Cao Lãnh, rau hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong, vải thiều Bắc Giang… Cuối cùng là sản phẩm làng xã. Hiện, toàn quốc có 19.000 xã, với nhiều tiểu vùng khí hậu tốt. Vấn đề là tổ chức ngành hàng như nào, sản phẩm công nghệ cao đạt chất lượng hay không, người dân thích ứng như thế nào với sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Đây sẽ là vấn đề tiên quyết cho thành công” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tâm lý người dân và những cơ chế đặc thù cho sự chuyển dịch nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương. Người dân đã quen với sản phẩm nông nghiệp và dẫu mùa màng thất bát thì niềm tin vào sản phẩm truyền thống vẫn chưa thể thay đổi. Ở đây, sự vào cuộc của địa phương và những cơ chế hỗ trợ là sự then chốt. Ví như ở Ninh Thuận, nhiều người dân không có vốn để bỏ lúa trồng nho. Yên Bái không có đầu ra để thay thế cây bạch đàn bằng cây keo. Bình Thuận, thanh long không có đường xuất khẩu khi giá cả bấp bênh trồi sụt… Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu, thực sự đang cần những cơ chế sát sườn.
Tuấn Việt (Đại Đoàn Kết)