Nhiều nơi mưa khá to, như ở tỉnh Trà Vinh mưa tới 60 mm. Bà con nông dân đang vượt qua thiên tai hạn, mặn khắc nghiệt, bước vào sản xuất nông nghiệp
Tăng vụ lúa trong điều kiện thích hợp vẫn là sự lựa chọn khả thi để có sản lượng lúa ổn định...
Những cơn mưa đầu mùa hè 2016 báo hiệu đợt hạn, mặn xâm nhập ở ĐBSCL đang chấm dứt. Nhiều nơi mưa khá to, như ở tỉnh Trà Vinh mưa tới 60 mm. Bà con nông dân đang vượt qua thiên tai hạn, mặn khắc nghiệt, bước vào sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, là sản xuất lúa đang cần có những tính toán khôn khéo nhằm giữ và tăng sản lượng ổn định mà vẫn giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận thuần.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiều lần nhắc nhở cán bộ nông nghiệp, cần giúp bà con nông dân giải quyết những khó khăn trong sản xuất bằng biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế, không được khuyến cáo áp đặt theo ý chủ quan.
Cơ quan quản lý liên quan cùng các nhà khoa học và hệ thống tổ chức khuyến nông đang có những hỗ trợ cụ thể, cũng như những khuyến cáo đúng đắn nhằm tăng sự lựa chọn cho bà con nông dân tự quyết định đúng đắn về giống lúa sử dụng, thời vụ xuống giống và áp dụng kỹ thuật trồng trọt thích hợp.
Ngoài những hỗ trợ vật chất cho cuộc sống và sản xuất của bà con nông dân vùng bị thiên tai, Nhà nước cần đầu tư hơn cho các hoạt động khuyến nông chuyển giao giống lúa có tính kháng hạn mặn và sâu bệnh hơn, cùng những kỹ thuật thích hợp qua các hình thức xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, tham quan, những trao đổi trực tiếp giữa nông dân với nhà khoa học và nhà quản lý, những cách làm có hiệu quả trong nhiều năm qua.
Điều đầu tiên cần quan tâm là khâu giống. Trong khâu giống bao gồm hạt giống và loại giống. Hạt giống đạt tiêu chuẩn giống xác nhận được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng có sức sống mạnh hơn, chịu đựng tốt hơn.
Tuy nhiên, hạt giống khỏe không thể thay thế được hạt giống từ loại giống có tính chịu đựng được mặn, tính kháng sâu bệnh.
Hạt giống và thời kỳ mạ và lúa dù có khỏe đến đâu mà khi có sâu bệnh nào đó cũng không thể kháng được. Tựa như đối với con người, sức khỏe không kháng được nhiều bạo bệnh, như ung thư, Aids.
Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp cho thấy nhiều “bạo bệnh” của lúa khi dùng giống kháng là trừ được, các biện pháp khác có vai trò hỗ trợ.
Dùng giống từ loại giống mang tính di truyền kháng vừa không tốn tiền mua thuốc, vừa giữ được môi trường trong lành và bảo vệ được sức khỏe người nông dân sản xuất.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến nay, đã có nhiều cuộc dập tắt nhiều loại dịch sâu bệnh thành công, như rầy xanh đuôi đen truyền bệnh vàng lụi ở đồng bằng sông Hồng; dập dịch rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL. Đã có, và cũng không khó tạo chọn giống lúa phòng chống bệnh bạc lá hay cháy bìa lá, bệnh khô vằn…
Nhiều khuyến cáo như đã phát trên VTV2 không sai vì chủ yếu dựa vào các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân có kinh nghiệm, nhưng thiên lệch về dùng thuốc hóa học. Dù là buổi truyền hình chuyên đề, vẫn nên giành một vài phút về giống kháng.
Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL đã giới thiệu và tổ chức sản xuất các giống lúa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại, như OM 2395, OM 2517, OM 6677, AS 996, OM 9921, OM 576, OM 6976, OM9921, OM5451...
Những giống lúa này có khả năng chịu mặn 0,3%, có thể đến 0,4% mà vẫn có thể cho năng suất 5-7 tấn/ha. (Tuy nhiên, với những giới thiệu hiện có giống chịu mặn cao hơn, đến 0,5 – 0,7% là chưa có cơ sở thực tế và khoa học minh bạch!).
Về cơ cấu mùa vụ, điều kiện sinh thái khí hậu ở ĐBSCL cho phép cây lúa có thể sinh trưởng phát triển và cho năng suất hạt ở nơi nào, lúc nào cũng được, miễn là có điều kiện về nước ngọt.
Điều đó đã được chứng minh từ trước 1975, bởi anh em kỹ sư nông nghiệp từ miền Bắc đi B mang theo hạt giống lúa ngắn ngày như Nông nghiệp 1, Nam Ninh, Trà Trung Tử, TH2...
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, những cán bộ này đã cùng với dân, quân vùng giải phóng và vùng “da báo” đã gieo hạt lúa ở bất cứ lúc nào và nơi nào có thể, vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của địch, để có gạo ăn vốn rất thiếu thốn!
Sau giải phóng, ngành nông nghiệp tổng kết kinh nghiệm và đề xuất các mùa vụ lúa để chỉ đạo sản xuất. Lúc đầu có khuyến cáo không làm quá 2 vụ lúa (đông xuân và hè thu) 1 năm, khuyến cáo “cứng” (áp đặt) không làm vụ thu đông, nhưng bà con nông dân cứ làm, rồi Bộ NN-PTNT gỡ bỏ khuyến cáo áp đặt này, diện tích lúa thu đông tăng nhanh, từ 30 lên 80 vạn ha, và đã được công nhận là vụ chính.
Những năm gần đây, cũng có khuyến cáo “mềm” bỏ vụ lúa xuân hè, nhưng ở một số nơi bà con nông dân vẫn làm, có khi phải báo cáo cập nhật với tên khác như đông xuân muộn, hè thu sớm...
Trước đây tôi có tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh làm đề tài tiến sỹ ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), huyện Tam Bình (Vĩnh Long), nên tôi thấy sự lựa chọn của nông dân là đúng, vì chưa có cách làm khác cho thu nhập hơn.
Chương trình khuyến nông do VTV2 vừa lên hình buổi trao đổi giữa GS.TS Nguyễn Bảo Vệ ĐH Cần Thơ, ThS Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ chỉ đạo của Cục Trồng trọt, với nhiều bà con nông dân có nội dung rất bổ ích cho sản xuất lúa sau khi ĐBSCL qua đợt hạn mặn lịch sử.
ThS Tùng có khuyến cáo thời vụ lúa phù hợp và cụ thể cho từng nơi, chứ không nên “đồng loạt” như đã có khuyến cáo!
Nên chăng, các cơ quan hữu trách quan tâm việc khảo sát nghiên cứu để có thể công nhận vụ xuân hè là vụ lúa chính như việc làm đối với vụ thu đông trước đây. Làm như vậy, người nông dân không phải "sản xuất chui", và việc chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật có hiệu quả hơn.
Tăng vụ lúa trong điều kiện thích hợp vẫn là sự lựa chọn khả thi để có sản lượng lúa ổn định, gặp thuận lợi thì có thể tăng như những năm trước đây. Khi có cách làm nào, tái cơ cấu sản xuất thế nào, sản xuất theo chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp để tăng thu nhập thì chắc chắn bà con nông dân hưởng ứng ngay và giảm ngay diện tích tăng vụ lúa.
Có lẽ phải đến 4 – 5 năm và hơn nữa mới đạt được cách làm trên. Dùng giống lúa thích hợp trong tăng vụ lúa cũng là vấn đề cần cân nhắc lựa chọn, như giống lúa cho vụ 3 theo Cục Trồng trọt có giới thiệu các giống lúa OM4498, ỌM5930, B-TE1, OM2395, VND95-20, AS996, OMCS2000, OM4900, MTL392, MTL499, OM4668, OM4088...
Về thời gian sinh trưởng (TGST) từ gieo sạ đến thu hoạch, sản xuất lúa trên chân ruộng tăng vụ, cần một bộ giống lúa có TGST dài ngắn khác nhau để phù hợp với nhiều điều kiện về nước khác nhau.
Nhờ Viện Lúa Quốc tế (IRRI) mà Việt Nam ta có những giống thuộc các nhóm có TGST khác nhau: nhóm B hay M tiêu biểu là IR42, TGST khoảng 125 -150 ngày; nhóm A chia làm giống lúa sớm A2 100 – 125 ngày, giống lúa thuộc nhóm A1 cực sớm 90 – 100 ngày.
Viện Lúa ĐBSCL từ thập kỉ 90 TK 2O đã tạo chọn giống lúa có TGST 80 – 90 ngày mà tính kháng, năng suất và chất lượng gạo như các giống dài ngày hơn, và đề xuất một nhóm lúa mới: nhóm Ao.
Nhiều đơn vị bạn cũng có tạo chọn được những giống lúa nhóm “siêu sớm” này, nhằm tiếp thu và phát triển các giống và nguồn gen từ IRRI. Hàng chục giống “siêu sớm” đã được nhiều vùng sử dụng trên hàng triệu ha!
Giống lúa “siêu sớm” đã và sẽ giúp nông dân tăng vụ lúa dễ dàng hơn, giúp né mặn, né hạn và né lũ nhẹ nhàng hơn! Nhóm giống lúa siêu sớm Ao cần được công nhận chính thức và hưởng ưu đãi để phát triển như hồi Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã làm. Tạo chọn được một giống lúa siêu sớm được sản xuất chấp nhận có khó khăn hơn, đòi hỏi nhà tạo giống lúa cần mẫn hơn!...
GS.TS Nguyễn Văn Luật (Theo nongnghiep.vn)