Thực trạng sản xuất - kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả là vấn đề nổi cộm của thị trường phân bón nước ta nhiều năm qua. Mặc dù đã có những quy định, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này, nhưng, những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất - kinh doanh phân bón vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Phải chăng, công tác quản lý nhà nước về nhóm ngành hàng phân bón còn nhiều kẽ hở?
Tổng hợp số liệu 9 tháng năm 2013, cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương đã phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan… xử lý hơn 62.000 vụ vi phạm pháp luật, trong đó mặt hàng phân bón đã xử lý 350 vụ, tịch thu hơn 700 tấn với hàng chục nghìn bao phân bón các loại. Tuy nhiên, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón nhập lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, trước tiên phải kể đến là do lợi nhuận rất cao từ buôn lậu, gian lận thương mại. Đối tượng làm ăn phi pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn, thậm chí chống trả quyết liệt. Trong khi nhận thức về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chưa thống nhất ở một số địa phương, công tác kiểm trra, kiểm soát còn hạn chế; điều kiện hoạt động của các lực lượng chức năng không tốt, nhân lực còn thiếu, phương tiện lạc hậu… Vì vậy, theo ông Lam, phải đồng thời nâng cao nhận thức của mọi đối tượng, cả người dân, doanh nghiệp đến các lực lượng chức năng chuyên ngành. Trong vấn đề tổ chức kiểm tra, kiểm soát cũng cần phân tích để làm rõ các phương thức, thủ đoạn nhằm rút ra quy luật của các đối tượng làm ăn phi pháp.
Hiện nay mặt hàng phân bón có tới 5 bộ quản lý: (Bộ NN và PTNT; Công thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học Công nghệ; Công An, trong đó Bộ NN và PTNT chịu trách nhiệm chính. Liên quan đến công tác phối hợp giữa các Bộ, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN và PTNT Phạm Tiến Dũng cho biết, đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Hàng tháng cơ quan này đều có các cuộc họp giao ban về chất lượng phân bón và an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm tra kiểm soát được thực hiện tới các huyện, xã.
Bộ NN và PTNT đang tổ chức thanh tra diện rộng về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi tại 29 tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long. Theo báo cáo sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón giả, Thanh tra Sở đã phối hợp với Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an truy xuất nguồn gốc, tìm địa chỉ sản xuất nhưng chưa phát hiện được, do địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm không có trên thực tế, cụ thể là: Công ty CP Nông nghiệp Nhất - Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Công ty CP Nông nghiệp Sao vàng - Rạch Giá, Kiên Giang; Công ty TNHH Bảo Minh Châu - Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh tiếp một số doanh nghiệp có phân bón giả. Khi phối hợp với lực lượng công an, Thanh tra Bộ NN và PTNT đã phát hiện ra nhiều cơ sở sản xuất không có địa chỉ, thường là địa chỉ “ma”. Vì thế, cảnh báo của các cơ quan chức năng đưa ra là bà con nông dân không nên ham hàng rẻ, mua phân bón “trôi nổi” trên thị trường (cửa hàng dựng tạm, đò ghe bán di động trên kênh, rạch…) mà nên mua mặt hàng phân bón của doanh nghiệp có uy tín. Mua hàng hóa có hóa đơn để làm bằng chứng khi có sự cố; sản phẩm phải có nhãn mác rõ ràng, trung thực…
Ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận, do lực lượng thanh tra của ngành mỏng, phải phối hợp với các ngành chức năng khác. Ngoài ra khi thu mẫu để kiểm tra phải chờ đợi một thời gian nhất định mới có kết quả nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là chưa kể với những vụ việc chưa đủ cơ sở để thu giữ hàng thì đối tượng đã kịp tẩu tán ra ngoài. Nhưng quan trọng hơn vẫn là hệ thống cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Theo ông Phạm Tiến Dũng, để kiểm soát tốt thị trường phân bón thì cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh. Các bộ ngành phải sớm xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 113/2003/NĐ-CP ngày 7.10.2003 và Nghị định 191/2007/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng thể chế quản lý, làm rõ trách nhiệm quản lý từng ngành, tránh chồng chéo và bỏ sót, xây dựng chế tài đủ mạnh và khả thi (khắc phục hậu quả). Xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong kiểm tra giám sát sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón…
Đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật phải đi trước một bước, trong đó các hiệp hội, cơ quan chuyên quản, doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tích cực tham gia, giải thích và tư vấn cho người nông dân trong việc lựa chọn và sử dụng phân bón. Quy định rõ việc sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng và quy định mức vi phạm như thế nào thì phải bị truy tố trước pháp luật. Ngoài ra, cũng cần quy trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với cơ sở sản xuất phân bón giả. Việc truy xuất nguồn gốc phân bón giả, kém chất lượng và việc xử lý kịp thời, triệt để của các cơ quan chức năng.
Nguyên Long