Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm APEC 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ và Ban thư ký APEC tổ chức.
Sự kiện thu hút gần 1.500 lượt đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp…
Chủ tịch Ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO Châu Á - Thái Bình Dương và Lãnh đạo cấp Bộ trưởng các thành viên APEC sẽ tham dự Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực (ANLT) và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhiều sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong khuôn khổ "Tuần lễ An ninh lương thực" tại TP. Cần Thơ.
Trong những năm qua, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo trên thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các nước đang phát triển. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc ước tính hiện nay vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển.
Tình trạng đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 7,5 tỷ người trên thế giới.
Trong khuôn khổ “Tuần lễ An ninh lương thực” tại Cần Thơ, dự kiến kéo dài từ 18/8 – 25/8/2017, nhiều sự kiện chính như: Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với Biến đổi khí hậu, do Bộ NN&PTNT chủ trì.
Chương trình đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững, do Bộ NN&PTNT chủ trì với sự tham gia của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC: Chính sách ANLT (PPFS), Đại dương và Nghề cá (OFWG), Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB), Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG) và cuộc họp chung của 4 nhóm trên.
Ngoài ra còn có các hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức: Biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp; Giống cây trồng trong khuôn khổ HLPDAB; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững; Phát triển nông thôn; Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn-thành thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo. Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế tại khu vực diễn đàn đối thoại cao cấp. Chưa hết, các đại biểu còn được tham quan mô hình vườn cây ăn trái; nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản; nghiên cứu giống Lúa đồng bằng sông Cửu Long... do các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ đang triển khai.
Kết thúc “Tuần lễ An ninh lương thực” tại TP. Cần Thơ sẽ có 3 tài liệu quan trọng được thơng qua. Đó là kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH. Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn-đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng. Cuối cùng là Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phương Anh Linh (Infonet)