Các kỹ sư tại nông trường VinEco Tam Đảo. Ảnh: Xuân Phú

Cơ hội từ những dây chuyền sản xuất công nghệ cao

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, bức tranh "nông nghiệp 4.0" của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ nano.

Đó là quy trình tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến, ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc… Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật sẽ mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới.

Thậm chí con người không cần có mặt trực tiếp mà được thay thế bởi robot, dần hình thành nên nền nông nghiệp chính xác và tự động, năng suất cao.

Ông Nguyễn Liên Phương, Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP Việt Nam chia sẻ: Trong phát triển “nông nghiệp 4.0”, tại các quốc gia phát triển như Pháp, Scotland (những quốc gia nổi tiếng với truyền thống sản xuất rượu) hiện có hàng trăm, hàng nghìn nhà máy rượu 300-400 năm tuổi nhanh chóng chuyển sang ứng dụng CNTT, với sự xuất hiện của những dây chuyền hoàn toàn không có sự xuất hiện của con người.

Tức là toàn bộ các quy trình đều tự động hóa, đó là những nhà máy “Black Factory” với máy móc, robot làm việc ngày đêm trên các dây chuyền trong bóng tối thay vì như con người phần lớn ngày làm, đêm nghỉ.

Như với dây chuyền sản xuất rượu nho, từ khâu thu hoạch nho làm nguyên liệu cho đến khi sản xuất, đóng thùng con người không phải lo lắng vì tất cả đã theo chuẩn mực được lập trình.

“Đó là tương lai nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Liên Phương nói.

Còn ở mức cao hơn, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc của DTT cho rằng làm nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 là phải tự động từ nhà máy tới người mua hàng.

Lấy ví dụ với thị trường cà chua, ông Trung cho rằng khi đó máy móc sẽ tự động tính toán nhu cầu tiêu thụ tại các siêu thị, trong từng khoảng thời gian nhất định. Và để có được số lượng cà chua đáp ứng cho các siêu thị cần trồng tại bao nhiêu nông trại, trồng từ khi nào và đến thời điểm nào sẽ cho thu hoạch để đảm bảo đáp ứng nhu cầu liên tục.

“Đó mới là nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0. Tức là phải nắm được thông tin thị trường rồi từ đó quay lại điều khiển sản xuất, phân phối”, ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.


Chất lượng rau được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Xuân Phú

Các đại gia liên tiếp nhảy vào nông nghiệp công nghệ cao

Trong thực tế, giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng có sự ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, thì cơ hội ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được dự báo là sẽ tăng mạnh tại Việt Nam.

Tại diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” diễn ra cuối tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự bứt phá.

Đáng chú ý trong thực tế, bên cạnh các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tại nhiều địa phương, trong khoảng 2 năm nay, thị trường cũng đang chứng kiến một loạt đại gia nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như Vingroup, Thaco Trường Hải, FPT, Hòa Phát, Geleximco…

Như Vingroup với thương hiệu VinEco, lần đầu tiên “tham chiến” vào năm 2015 với việc xây dựng nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả sạch với quy mô diện tích 500 ha, số vốn đầu tư lên tới 700 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, VinEco đã sở hữu 15 nông trường trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam, đặt tại Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP.HCM…

Rau trồng trong nhà kính. Ảnh: Xuân Phú

Trong khi đó, cũng từ năm 2015, FPT và đối tác Fujitsu (Nhật Bản) đã ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào nông nghiệp để trồng thử nghiệm một số loại rau quả hoàn toàn tự động tại Hà Nội.

Năm 2017, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đầu tư với số vốn 1.200 tỷ đồng vào dự án trồng lúa chất lượng cao, khu nuôi trồng thủy sản, hải sản kết hợp dịch vụ sinh thái tại huyện Tiền Hải (Thái Bình).

Hay liên doanh Tập đoàn THACO - Tập đoàn Lộc Trời trong năm 2017 cũng đã đầu tư số vốn lên tới 7.800 tỷ đồng vào dự án công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối các sản phẩm nông nghiệp tại Thái Bình…

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp nào thực sự xây dựng được mô hình “nông nghiệp 4.0” sử dụng các dây chuyền hoàn toàn tự động, nhà máy sử dụng robot hoạt động trong bóng tối như tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, với từng bước đưa công nghệ cao vào ứng dụng, bộ mặt của ngành nông nghiệp đang dần có sự thay đổi tích cực.

Hàng loạt các dự án của các đại gia liên tục được mở ra, giúp đem lại các sản phẩm nông nghiệp sạch hơn, rõ ràng về nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không giới hạn, cơ hội cho nông nghiệp cũng rất lớn, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp có dám làm hay không”, Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, ông Nguyễn Liên Phương nói.

Theo Infonet.vn