KTNT - Mặc dù đã 13 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích liên kết “bốn nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) trong tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, nhưng sự kết dính không chặt chẽ trong mối liên kết vẫn được báo chí phản ánh thường xuyên. Khi thì doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, khi thì nhà nông đổ lỗi cho doanh nghiệp.


Một góc cánh đồng măng tây của Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh

Thực tế cho thấy, cả doanh nghiệp và nhà nông đều cần đến nhau. Nhà nông cần bán nông sản với giá cao và ổn định, được hỗ trợ sản xuất (hỗ trợ vật tư đầu vào chất lượng cao, quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn,…). Doanh nghiệp cần nguyên liệu đầu vào chất lượng cao, ổn định và giá cả phù hợp.

Trong điều kiện sản xuất nông hộ ở ta, do quy mô nhỏ lẻ nên nhà nông khó có đủ điều kiện để đầu tư cho khoa học mà khoa học là then chốt đối với nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Bản thân các nhà khoa học (các viện nghiên cứu, trường đại học) cũng phải tự chủ về tài chính nên việc cấp vốn cho nghiên cứu phục vụ nhà nông không nhiều. Chỉ có doanh nghiệp mới đủ điều kiện về vốn và công nghệ để làm đầu tàu cho mối quan hệ giữa nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học, bởi họ - doanh nghiệp còn nắm thị trường đầu ra của sản phẩm.

Theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg thì vai trò của Nhà nước địa phương, các bộ, ban, ngành và tổ chức liên quan như Hội Nông dân được quy định khá rõ ràng.

Cho đến nay, tại nhiều diễn đàn trao đổi về việc thực hiện Quyết định đúng đắn này, vai trò của doanh nghiệp được xác định là đầu tàu. Điều đó không sai vì chỉ doanh nghiệp mới đủ điều kiện về nguồn vốn, nguồn lực và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ. Nhưng phải xác định cho được vai trò dẫn dắt cuộc chơi thì nhiều người cũng cho là doanh nghiệp. Theo người viết thì vai trò dẫn dắt cuộc chơi thuộc về Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp vì Nhà nước (bao gồm cả chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này) xây dựng cơ chế chính sách cho cuộc chơi để mọi người chơi đúng luật. Vai trò này còn mờ nhạt.

Thực tế cơ sở thấy địa phương nào Nhà nước (cấp ủy, chính quyền, các sở ngành) vào cuộc tích cực, sâu sát, thấy được lợi ích của cả địa phương, người dân và doanh nghiệp thì nhiều doanh nghiệp tìm đến, sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp và hiệu quả mang lại là tích cực, cả nhà nông, doanh nghiệp và địa phương cùng vui. Có thể nêu ví dụ về Hà Tĩnh. Bằng sự vào cuộc sâu sát từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã kéo theo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đây là điều kiện để nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh. Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nông nghiệp Hà Tĩnh (nuôi lợn, nuôi bò, nuôi hươu, chế biến súc sản, chế biến nhung hươu, chế biến thức ăn gia súc, chế biến rau quả…), trong đó phải kể đến việc đầu tư khai thác vùng cát hoang hóa từ ngàn đời nay đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao (doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/ha đối với rau thông thường, thậm chí tới 500-600 triệu đồng/ha đối với măng tây).

Hy vọng bài học Hà Tĩnh sẽ khơi gợi Nhà nước (cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng các bộ, ban, ngành) xác định đúng vai trò, vị trí của mình trong việc tạo dựng hành lang pháp lý, luật chơi để thu hút doanh nghiệp nhiều hơn, nông dân không phải tự bơi và để nông nghiệp Việt Nam, nền nông nghiệp nhiều lợi thế sớm thay đổi diện mạo, đem lại lợi ích lớn hơn cho cả nhà nông, doanh nghiệp và đất nước.

         Hiền Trang (theo kinhtenongthon.com.vn)