VINAGRI News - Phân tích về thị trường phân bón trong nước hiện nay, TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công Thương cho rằng, để bình ổn thị trường phân bón, quản lý nhà nước cần tập trung giải quyết đồng bộ các giải pháp.

 


Ảnh minh họa

Theo TS Võ Văn Quyền, thị trường phân bón ở nước ta hiện đã hình thành mạng lưới phân bón rộng hơn với các công ty thành viên, các đại lý phân phối của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty vật tư nông nghiệp đã cổ phần hóa cùng với nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thương mại trong lĩnh vực phân bón mới được hình thành.

Thống kê hiện nay cho thấy, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón (phân urê, phân lân, phân DAP, phân NPK) nhưng thực tế chưa có đơn vị nào tự xây dựng được mạng lưới phân phối riêng đến khâu bán lẻ mà phải thông qua các công ty thương mại, các chi nhánh, các cửa hàng bán lẻ tư nhân. Hệ thống phân phối phân bón được tổ chức qua rất nhiều nấc trung gian mới đến tay người nông dân, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống không có tính chất ràng buộc lâu dài hầu hết theo hình thức mua đứt bán đoạn.

Về cơ bản, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp lớn mới chỉ dừng lại ở khâu trung gian – qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến tay người nông dân, do đó, vấn đề kiểm soát và chịu trách nhiệm về giá bán và chất lượng phân bón còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang là vấn đề nan giải.

Theo TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công Thương, để bình ổn thị trường phân bón thời gian tới, quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón cần:

Thứ nhất, tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm bớt các tầng nấc trung gian trong hệ thống thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng phân bón đã được phê duyệt theo tinh thần của Quyết định số 6868/QĐ- BCT ngày 27/12/2010 của Bộ Công Thương, phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2025. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; phát triển hệ thống phân phối theo chiều sâu, tăng mối liên kết chặt chẽ giữa các khâu.

Thứ hai, yêu cầu doanh nghiệp tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp đến khâu bán lẻ để có thể kiểm soát giá bán, chất lượng phân bón đến tay người nông dân; kết hợp với việc thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh nông sản sẽ gắn kết nhà sản xuất phân bón với các hợp tác xã, hộ sản xuất thông qua các chính sách tín dụng giải ngân bằng hàng hóa để cung ứng trực tiếp phân bón đến người nông dân, giảm các chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm.

Thứ ba, xây dựng ban hành Nghị định về sản xuất, kinh doanh phân bón thay thế Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ quy định quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón theo hướng coi mặt hàng phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện để tăng cường sự quản lý nhà nước đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu này.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường, kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón nhất là đối với những loại phân bón có công nghệ sản xuất tương đối đơn giản như NPK thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; đưa ra chế tài và biện pháp xử lý cụ thể hơn đối với việc xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá, theo đó, chú trọng đến công tác bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu trong đó có vật tư nông nghiệp. Các quy định về bình ổn giá, quản lý giá nhằm mục đích lớn nhất là tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá hàng hóa, việc niêm yết giá và giám sát việc điều chỉnh giá các hàng hóa thiết yếu gây bất ổn thị trường. Đây cũng sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá bán hàng hóa trên thị trường.

Thứ sáu, điều tiết nguồn phân bón nhập khẩu thông qua các chính sách thuế (tăng, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) và các hàng rào kỹ thuật, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, trên cơ sở cân đối cung cầu – cầu tại từng thời kỳ, có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với một số chủng loại phân bón để ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phối hợp với chính quyền địa phương, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý./.

HA.NV/ Báo Đảng Cộng Sản (ghi)