Các tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể là HTX nông nghiệp không chỉ góp phần thực hiện tiêu chí cần đạt được mà còn là điều kiện phát huy nội lực rất hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính “phong trào”, cung luôn vượt cầu, việc bảo quản chế biến còn hạn chế, chưa gắn chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sự hình thành các tổ chức HTX nông nghiệp sẽ giúp nông hộ những việc mà họ không làm được như: Tiếp cận thị trường để nắm bắt thông tin, lập kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu của thị trường; làm đầu mối trung gian thu mua và đưa hàng hóa đến các thị trường, từ đó sẽ tiết kiệm được chi phí lưu thông, lợi nhuận mang lại cho người sản xuất sẽ cao hơn… Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) thu hoạch mía.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Krông Bông, trên địa bàn huyện hiện có 9 HTX (gồm 6 HTX nông nghiệp, 3 HTX dịch vụ nông nghiệp) và 12 tổ hợp tác (trong đó có 2 tổ hợp tác chăn nuôi). Một số HTX hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên. Điển hình như, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty) được thành lập vào tháng 8-2013, có 25 xã viên góp vốn và liên kết với 480 nông hộ khác, vốn điều lệ hơn 4,85 tỷ đồng. Bên cạnh việc sản xuất mía, lúa, sắn…, đảm nhận khâu làm đất bằng cơ giới, để thực hiện vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, HTX đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Mía đường Đắk Lắk, Công ty Mía đường 333, Công ty Chế biến tinh bột sắn Krông Bông, Công ty Phân bón Lộc trời An Giang, Công ty Phân bón hóa chất Cần Thơ, Công ty Phân bón hóa chất Bình Điền Long An nhằm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất mía giống và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, doanh thu năm 2016 đạt 13 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận của HTX đạt trên 260 triệu đồng.
Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể chính là người dân, sự liên kết giữa những người nông dân với nhau không chỉ là sự hợp tác đơn thuần, mà nó còn phát huy được mọi tiềm năng, thế mạnh của từng cá thể, góp phần làm cho quan hệ sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nông thôn.
Tuy nhiên có thể thấy, trên địa bàn huyện Krông Bông, hoạt động của HTX vẫn còn khó khăn bởi lĩnh vực hoạt động rộng, nhu cầu mua sắm máy móc, vật tư, thiết bị công nghệ mới thì nhiều song nguồn vốn có hạn…
Có một nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc phát triển HTX còn hạn chế, là: phần lớn nông dân chưa nhận thức đầy đủ bước đi, cách làm của mô hình hợp tác xã mới; một số nông dân "không thiện cảm" với HTX kiểu cũ nên chưa mạnh dạn đóng góp cổ phần phát triển HTX... Ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Krông Bông chia sẻ: "Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đầu tư cho nông nghiệp rủi ro cao nên các HTX còn e dè. Bên cạnh đó, hầu hết các HTX thiếu vốn và chưa liên kết thị trường. Do đó, muốn phát triển HTX nông nghiệp bền vững, trước hết đòi hỏi người đứng đầu HTX phải năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích của HTX mà tự nguyện tham gia".
Thành viên Tổ hợp tác dùng nước Hòa Phong dẫn nước vào sản xuất vụ đông xuân.
Thiết nghĩ, nhằm nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp và phát huy nội lực của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân đối với phát triển kinh tế tập thể HTX. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX nông nghiệp; có các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng...; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HTX ...
Mai Viết Tăng (Daklak24h)