VINAGRI News - 10 tháng đầu năm, phân DAP tồn 71 ngàn tấn, urê tồn trên 210 ngàn tấn đã khiến thị trường phân bón trong nước trở nên ảm đạm. Nhiều ý kiến cho rằng, phải cân đối lại việc nhập khẩu phân bón, sao cho cả người dân và doanh nghiệp cùng có lợi.



Nhập khẩu tăng, tồn kho cao

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 587,8 triệu USD, tăng 15,26% về lượng nhưng lại giảm 1,52% về giá trị. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng đến 50,7%. Tính riêng tháng 9/2013, Việt Nam đã nhập khẩu 329 ngàn tấn phân bón các loại từ thị trường Trung Quốc, trị giá 96,4 triệu USD. Các chủng loại phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 9 là: DAP, SA, urê, trong đó lượng DAP được nhập khẩu về nhiều nhất, khoảng trên 3 ngàn tấn.

Thông tin từ  Bộ Công Thương cho biết, hiện mặt hàng phân bón đang tiêu thụ chậm và tồn kho cao. Tính đến thời điểm hiện tại, tồn kho mặt hàng phân bón đã tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng của mưa lũ trong tháng và do nông sản tiếp tục rớt giá thời gian gần đây. Nguồn cung dồi dào là một trong những nguyên nhân khiến giá phân bón giảm trong hai tháng trở lại đây. Hiện giá phân urê Phú Mỹ khoảng 7.800 - 7.850 đồng/kg, giá phân urê Cà Mau khoảng 7.600 - 8.200 đồng/kg. Với mức giá dao động như trên thì giá phân đạm trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan dự thảo Quyết định thay thế cho Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg và số 139/2009/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Cân đối lại chính sách phân bón

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương- đặt vấn đề: Hiện phân bón nhập khẩu đã tăng 20% trong 9 tháng qua, trong đó hơn 50% là nhập khẩu từ Trung Quốc, không chỉ riêng phân urê mà cả các loại khác. Vấn đề cần đặt ra là, với các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được (như Kali, SA) thì chúng ta có thể nhập khẩu, nhưng có những loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ như urê, DAP mà vẫn nhập thì phải xem xét lại. Ông Quyền cũng đề nghị những người làm công tác điều hành chính sách cần cân đối, phối hợp chính sách lưu thông và chính sách thời vụ theo thời điểm, sao cho đảm bảo được cả lợi ích của người nông dân cũng như nhà sản xuất.

Trong một báo cáo mới đây của Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương cho hay, theo dự kiến cân đối cung - cầu, năm 2013, sản xuất công nghiệp phân bón trong nước mới đáp ứng 77,6%, vẫn phải nhập khẩu 2,47 triệu tấn phân bón các loại. Một số loại phân bón như: Urê, NPK, phân lân sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Phân DAP đã đáp ứng được 30% nhưng riêng các mặt hàng phân Kali, SA vẫn phải nhập khẩu 100%. Do đó, đối với những loại phân bón trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm. Đối với các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cho phép nhập khẩu theo từng lô hàng, với thời gian xác định nhằm kiểm soát số lượng phân bón nhập khâu biên mậu để không ảnh hưởng đến cung - cầu trong nước.

Nguyễn Duyên/ Báo Công Thương