Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, 6 năm qua, thành phố đã chuyển hơn 1.800ha đất sang trồng rau, cây cảnh, kiểng, đàn bò, dưa lưới… với áp dụng công nghệ cao giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 10.000 tỷ đồng.
Tác động bằng mô hình điểm
Trồng rau công nghệ cao được kỳ vọng sẽ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Ảnh: Mô hình rau VietGAP của TTKN TP.HCM tại Củ Chi. Ảnh: Trần Thế
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong hơn 5 năm qua, tổng giá trị TP.HCM đầu tư cho phát triển nông nghiệp ước khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ khoảng 20,3 tỷ đồng, ngân sách thành phố khoảng hơn 10.000 tỷ đồng và hơn 37.000 tỷ đồng còn lại từ nguồn vốn trong dân và doanh nghiệp.
Theo ông Trung, hiện thế mạnh của thành phố là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản phẩm, cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. “Ví như cây rau năng suất bình quân 250 tấn mỗi ha/năm, nếu nhân với giá 6.000 đồng/kg thì mỗi năm một ha rau tạo ra 1,5 tỷ đồng. Và nếu đầu tư trồng rau bằng công nghệ cao hơn thì giá trị có thể đạt đến 5 tỷ đồng/ha với mức lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/ha”- ông Trung thông tin.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) TP.HCM đã dồn sức đầu tư xây dựng những mô hình điểm dựa trên những sản phẩm chủ lực được xác định này nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập khu vực nông thôn. TTKN đã tổ chức chuyển giao, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 3 hộ nông dân ở Củ Chi.
Ông Nguyễn Văn Thắm – hộ nông dân tham gia mô hình đánh giá, mô hình này đã đem lại lợi ích lớn với việc giảm công lao động, giảm chi phí, nhất là nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân sản xuất. Ông Thắm được hỗ trợ 50% giá trị hệ thống tưới nhỏ giọt.
Ông Trung khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao là định hướng đúng trong điều kiện đất nông nghiệp TP.HCM ngày càng giảm. Sở NNPTNT đã nhập thử nghiệm hệ thống trồng rau thủy canh cho năng suất cao và sẽ chuyển giao cho nông dân có nhu cầu trong thời gian tới.
Cùng với xây dựng mô hình rau công nghệ cao, TTKN cũng xây dựng mô hình trình diễn “Kỹ thuật trồng hoa lan mokara cắt cành”. Ông Nguyễn Hữu Trí – một trong những hộ tham gia mô hình này cho biết, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân và phù hợp với việc phát triển nông nghiệp đô thị.
Ưu tiên đầu tư sản phẩm chủ lực
Theo Bộ tiêu chí NTM đặc thù của TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thành phố là 63 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM nhận định, để hoàn thành mục tiêu này, thành phố cần ưu tiên bố trí những dự án phát triển sản xuất, hạ tầng an sinh xã hội; sản xuất xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm hàng hóa để tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Cùng mục tiêu này, ông Cao Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM theo đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát là duy trì các tiêu chí đạt được kết hợp thực hiện các giải pháp nhằm nâng chất các tiêu chí; bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, thành phố cần xác định các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển NTM với đô thị.
Có thể thấy, những năm qua nhờ dồn sức đầu tư phát triển nông nghiệp, thành phố đã đạt được kết quả rất khả quan. Cụ thể, đến năm 2016 giá trị sản xuất nông nghiệp trên mỗi ha đạt 410 triệu đồng, vượt xa số kỳ vọng theo kế hoạch ban đầu là 300 triệu đồng/ha (tăng 2,7 lần so với năm 2010). Thành phố đã triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ lãi suất cho đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt, cơ giới hóa…
Theo Dân Việt