PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, tình trạng dịch bệnh trên cây có múi đã từng xuất hiện ở những năm trước. Năm nay lại bùng phát mạnh, nhất là trên cây quýt hồng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Huyện Lai Vung có diện tích cây có múi lớn nhất tỉnh, gần 6.000ha, trong đó quýt đường 2.700ha, cam 2.300ha, quýt hồng gần 900ha. Bệnh chết vàng, chết xanh đã có từ nhiều năm trước nhưng bùng phát mạnh từ 2016 đến nay. Hiện có hơn 2.000 ha bị thiệt hại, chiếm gần 36% diện tích cây có múi, nặng nhất là trên cây quýt hồng 337ha chiếm 40% diện tích quýt hồng.

Nguyên nhân rất nhiều, có thể kể ra như giống quýt hồng bị suy thoái, nhiễm bệnh, trong khi bà con lâu nay có thói quen chiết cành khi trồng mới nên bệnh dễ lan nhanh. Ngoài ra việc lạm dụng phân bón vô cơ, bón phân hữu cơ quá ít, phân hữu cơ cũng không đạt về chất lượng, số lượng.

Bên cạnh đó, cứ vài năm bà con lại tôn cao bờ bằng cách kê thêm lớp đất mặt chở từ nơi khác về, nhiễm phèn, lại kê quá cao, làm cho giảm độ pH, đất bị lèn chặt, bộ rễ không phát triển do thiếu oxy; số lượng tuyến trùng trong đất rất cao, tấn công bộ rễ tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani, Phytophthora gây hại. Ngoài ra, mật độ trồng, kỹ thuật xới đất chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân làm cho bệnh nặng thêm.


Bệnh trên cây có múi gây thiệt hại lớn

"Với gần 40% diện tích quýt hồng bị bệnh, bà con ta chuyển sang trồng cam, bưởi, ổi, mận... cũng là giải pháp tốt. Tuy nhiên, thương hiệu hình ảnh địa phương sẽ bị mai một dần, vì quýt hồng đã gắn với địa danh Lai Vung. Các loại cam, quýt khác có thể trồng nhiều nơi nhưng quýt hồng trồng ở Lai Vung mới ngon, màu sắc đẹp, chín đúng vào dịp tết. Nếu quýt hồng không còn nữa thì chúng tôi rất buồn, đáng tiếc. Tôi cũng là người con của Lai Vung nên rất đồng cảm với nỗi niềm của bà con ở đây!", ông Nguyễn Văn Công. 

Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp Đồng Tháp có khuyến cáo gì đối với nhà vườn?

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến cáo bà con nhằm hạn chế tình trạng này như chọn giống sạch bệnh, trồng mật độ vừa phải, xử lý cây có bệnh triệt để, tăng cường phân hữu cơ, chế phẩm Tricoderma, bón vôi ngừa bệnh, tăng độ pH, tạo mặt liếp thông thoáng, không để lèn đất, ngạt rễ, khuyến cáo sử dụng giống cây sạch bệnh, ghép gốc thay cho phương pháp chiết cành. Qua các buổi hội thảo, toạ đàm, xây dựng mô hình, đã có nhiều nhà vườn áp dụng thành công.

Đặc biệt, Sở KHCN phối hợp với Sở NN-PTNT đã mời các chuyên gia từ Viện Cây ăn quả miền Nam, ĐH Cần Thơ khảo sát làm đề tài khoa học về vấn đề này và đã có kết quả. Chúng tôi sẽ chuyển kết quả này cho huyện Lai Vung để áp dụng vào thực tế.

Để khắc phục ảnh hưởng cũng như phục hồi lại các diện tích bị thiệt hại, về lâu dài, tỉnh có giải pháp gì hỗ trợ nông dân?

Cần có những giải pháp tình thế lẫn lâu dài, phòng ngừa là chính, chữa trị là phụ. Ngành chuyên môn, nhà khoa học là quan trọng nhưng thành công hay không là do chính nhà vườn. Cụ thể trên cơ sở kết luận của đề tài khoa học vừa được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao, kết hợp khuyến cáo của ĐH Cần Thơ và kinh nghiệm nhà vườn đã thành công, chúng tôi sẽ in tài liệu hướng dẫn cách khắc phục một cách cơ bản nhất.

Vì bệnh có nhiều nguyên nhân, tình trạng bệnh cũng không giống nhau, chất lượng đất, mật độ tuyến trùng không giống nhau, có nơi rễ bị hại do ốc cắn phá... nên khó có thể đưa ra quy trình chuẩn cho tất cả. Ngành nông nghiệp sẽ vận động bà con, nhất là ở Hội quán, HTX chuyên trồng quýt dành ra 2 - 3 ha để các chuyên gia khuyến cáo, cán bộ kỹ thuật huyện, tỉnh cùng làm với bà con rồi nhân rộng ra ở những nơi khác, xem đây như mô hình thực tiễn.

Trước mắt, chúng tôi nhận thấy chưa cần công bố dịch bệnh vì sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Hơn nữa, tuyến trùng tấn công rễ cũng với tốc độ chậm không bùng phát như sâu rầy, vườn cạnh nhau nhưng quy trình canh tác khác nhau, mật độ trồng khác nhau, bón phân khác nhau, phòng trị bệnh khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.


Nông dân phải đốn bỏ để trồng cây khác

Tuy nhiên, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có hỗ trợ bà con làm đất lại, mua giống sạch bệnh đối với cây có múi khác. Đối với quýt hồng sẽ xin chủ trương để Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam chọn cây sạch bệnh, ghép gốc nhằm từng bước có cây giống có bộ rễ khoẻ, sạch bệnh cung cấp cho bà con với giá cả hợp lý.

Một vấn đề khác rất quan trọng trước nay chưa được quan tâm, đó là các nhà khoa học, DN với sự hỗ trợ tạo điều kiện của Nhà nước để có cơ sở SX phân hữu cơ chất lượng tốt cho cây trồng, nhất là cây có múi.

Thực tế cho thấy, nguồn phân hữu cơ có chất lượng đang khan hiếm, giá lại cao nếu không có giải pháp cho vấn đề này thì không thể có nguồn cung cấp. Với diện tích lớn như vậy, mỗi gốc cần 10 - 15kg phân hữu cơ/năm là một vấn đề nan giải.

Một giải pháp đơn giản dễ làm nhưng ít được chú ý, đó là các nhà vườn cần tận dụng lục bình, bèo từ ao mương đậy gốc vào mùa nắng, vừa giữ ẩm vừa có hữu cơ mà không mất tiền, hoặc trồng một số loại cỏ phát triển rất mạnh để bộ rễ làm tơi xốp đất, giữ ẩm và đó cũng là nguồn hữu cơ khi hoai mục.

Xin cảm ơn ông!

LÊ HOÀNG VŨ (Nông nghiệp VN)