Qua các trường hợp thương hiệu Việt như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre... bị các đại gia nước ngoài thâu tóm, người ta đều thấy rõ “độ chênh” giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp nước nhà trong hành trình mới. Kê cho bằng độ chênh này là rất khó.
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã không còn là thương hiệu Việt
CôngThương - Thương hiệu Việt “đắt như tôm tươi”
Năm 1994, thị phần kem đánh răng gần như thuộc về thương hiệu Dạ Lan của Công ty Sơn Hải và P/S của Phong Lan, riêng Dạ Lan chiếm 70%. Nhưng khi “ngả”vào tay Tập đoàn Colgate Palmovive, chỉ sau 3 tháng, Dạ Lan mất hút.
Cũng chung hoàn cảnh, Bibica có 20 năm hoạt động, trên đà thắng lợi, cổ phần hóa và hợp tác toàn diện với Lotte mong sẽ được chuyển giao công nghệ, cải tiến quản lý, vươn ra thương trường quốc tế. Khi cổ phần lên giá, cổ đông của Bibica thi nhau bán, khiến từ chỗ đang nắm hơn 80% cổ phần, nay chỉ còn chưa tới 1%, Bibica khó giữ được thương hiệu.
Khi nghe tin Hãng nước giải khát Tribeco hoành tráng một thời, đánh dấu chấm hết nhanh đến ngỡ ngàng, cứ tưởng là chuyện hoang tưởng. 20 năm hoạt động thì 11 năm được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2001, lên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, năm 2008 liên doanh với Kinh Đô, rồi Uni- President (Đài Loan).
Năm 2012 Tribeco Sài Gòn giải thể, sau khi Tribeco miền Bắc và Tribeco Bình Dương bán hết cổ phần vào năm 2010 và 2011. Nghe nói cổ phần trôi nổi có lúc chỉ tương đương cốc trà đá vỉa hè.
Năm 2003, tiệm “Phở 24” đầu tiên được khai trương tại TP. Hồ Chí Minh rồi lan ra Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương... Năm 2010 đã có khoảng 60 tiệm Phở 24 được mở tại những đường lớn, phố to. Từ đây thương hiệu Phở 24 còn xuất ngoại với khoảng 20 tiệm. Những tưởng “tiền đồ rộng mở” vậy mà nay thương hiệu Phở 24 đã có tên ngoại lai.
Hay như trường hợp bán thương hiệu của Diana cho Unicharm (Nhật Bản) có 3 cái “khủng”. Thứ nhất, giá bán cao, khiến Tạp chí The Asset, Hồng Kông bình chọn là một trong những thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011. Thứ hai, tỷ lệ chuyển nhượng cổ phần tới 95%. Thứ ba, chuyển nhượng vào năm Diana tăng trưởng cao. Thời điểm đó, Diana là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000; hệ thống phân phối rộng trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường Đông Nam Á. Bán cổ phần trong thế chủ động với ước vọng đưa thương hiệu Diana tiến xa hơn. Sẽ là hồ đồ khi đoán tương lai của Diana, nhưng chỉ biết Tập đoàn Unicharm là một đại gia có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu.
Qua các trường hợp thương hiệu Việt bị nước ngoài thâu tóm, thực tế nổi lên vấn đề đáng quan tâm: DN nước ngoài có vốn lớn, kinh nghiệm nhiều, khả năng truyền thông mạnh hơn, trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn nên họ rất dễ đánh bại thương hiệu Việt.
Đừng để mất
Chưa tính trường hợp của Diana, chung quy là thương hiệu Việt đã thua, đang đuối chỉ vì phải đối mặt với thương hiệu ngoại do chủ nhân của nó cường tráng, đa mưu, túc kế. Sẵn tiền, họ vung tay quảng cáo vào giờ vàng, trang bạc trên các phương tiện thông tin- truyền thông chủ lực của ta, không chỉ loáng qua mà còn dựng thành tiểu phẩm với sự tận tình tham gia của những nghệ sỹ nổi tiếng, người mẫu, hoa hậu, nhà khoa học danh giá.... Chỉ riêng chiêu thức đó, chủ nhà đã choáng.
Nhìn các “anh cả đỏ” trong làng thương hiệu Việt lần lượt “ra đi” mà sốt ruột, nản chí. Thiết nghĩ để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đã đến lúc không thể để thương hiệu Việt mất thêm nữa.
Nguyễn Duy Nghĩa