Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng qua ước đạt 4,54 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20% về giá trị. Nhưng đáng lo ngại hơn là số lượng lô hàng xuất khẩu gạo thơm bị trả về ngày càng tăng. Vậy làm gì để hạn chế tình trạng "gạo xuất phải hồi hương"?
Ðưa gạo lên tàu để xuất cảng ở TP Cần Thơ
Tham bát bỏ mâm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm công-ten-nơ gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Riêng Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của Mỹ. Trong đó chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết có một số nguyên nhân cơ bản khiến gạo xuất khẩu giảm sút về số lượng, cũng như giá trị và bị trả lại. Ðó là tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún của các hộ nông dân cho nên sản phẩm không đồng đều về phẩm cấp, chất lượng và bảo đảm độ an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, để tăng sản lượng, nhiều diện tích đất trồng lúa phải quay vòng hai đến ba vụ/năm, buộc nông dân phải sử dụng nhiều phân bón để bổ sung "dinh dưỡng" cho đất. Cộng thêm tác động của thời tiết dẫn đến dịch bệnh trên cây trồng gia tăng, khiến nhà nông lại phải dùng nhiều thuốc trừ sâu để trị bệnh. Tuy nhiên, họ lại không được hướng dẫn quản lý, sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách, dẫn đến dùng quá mức cho phép, không chỉ gây tổn hại môi trường, mà còn khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành nông sản lên, trong khi năng suất lại không cao.
Ðể có gạo sạch phục vụ xuất khẩu, đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và trồng lúa theo nhu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, kiểm soát được giống, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Ðến nay đã có hàng nghìn mô hình cánh đồng lớn được hình thành ở các địa phương, với diện tích hơn 600 nghìn ha. Trong đó có một số mô hình liên kết có hiệu quả, như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân, tỉnh Nam Ðịnh; HTX Tân Cường, tỉnh Ðồng Tháp; Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang,...
Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất gạo sạch có thị trường ổn định, vẫn có doanh nghiệp không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, hay GlobalGAP. Cá biệt có tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết doanh nghiệp và các hộ nông dân, dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm "sạch". Khi giá gạo trong nước cao, nông dân không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngược lại khi gạo xuất khẩu mất giá, doanh nghiệp không thu mua gạo cho nông dân.
Trong khi đó, nhiều năm nay gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ tính về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi... với số lượng lớn, khiến nông dân, doanh nghiệp chạy theo lượng nhiều hơn là chú ý đến chất. Còn các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng gạo sạch. Sạch ở đây không chỉ về hóa chất mà còn phải có chất lượng thơm, ngon, độ dẻo và hạt gạo phải đẹp đồng đều. Thực tế này đã dẫn đến việc tuy là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo đứng hàng đầu thế giới, nhưng gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa thuộc loại chất lượng cao trên thị trường thế giới. Nhiều năm liền, ngành nông nghiệp loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo, để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhưng lại thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, khiến người tiêu dùng trên thế giới chưa biết nhiều "hạt ngọc Việt", hoặc nghi ngờ và lo ngại về rủi ro an toàn. Vì vậy, giá trị của gạo Việt Nam bị giảm dần.
Nâng chất, giảm lượng
Theo TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), những năm qua, sản xuất lúa gạo của chúng ta mới chạy theo sản lượng và năng suất, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng, phẩm cấp, thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn theo quy trình công nghệ hiện đại đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn ít. Phần lớn lúa gạo là do các hộ nông dân sản xuất theo cách thức truyền thống, cho nên khó kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam cần có những mức độ đạt tiêu chuẩn khác nhau để các cơ sở sản xuất và hộ gia đình nông dân tùy theo từng điều kiện cụ thể có thể áp dụng.
Theo đó, ở mức độ thấp, sản xuất vẫn theo phương thức truyền thống của các hộ nông dân, song áp dụng một số quy trình kỹ thuật nhằm sử dụng hợp lý phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh... để bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn dư lượng hóa chất, vi sinh vật trong sản phẩm. Với mức độ cao hơn áp dụng nghiêm ngặt quy trình GAP, trong đó thực hiện các giải pháp sinh thái để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, song vẫn còn sử dụng một số hóa chất.
Tiếp đến là giai đoạn "Phát triển hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp" theo chiến lược quốc gia vì tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1393/TTg-QÐ ngày 25-9-2012. Khi đó, tư liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất sản phẩm hữu cơ bắt buộc phải là sản phẩm tự nhiên của hệ thống sản xuất (sản phẩm biến đổi gien không phải là sản phẩm hữu cơ); nghiêm cấm sử dụng các hóa chất tổng hợp. Nông nghiệp hữu cơ phải phục tùng tôn chỉ xây dựng một hệ thống quản lý sản xuất tổng thể nhằm cải thiện và tăng cường sức sống của hệ sinh thái nông nghiệp.
Tại "Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn" diễn ra ngày 3-12 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm từ 1% đến 2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tiễn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư. Vì vậy cần tăng đầu tư cho nông nghiệp, cả về số lượng tuyệt đối hằng năm, lẫn tỷ trọng trong tổng đầu tư kinh tế của xã hội là điều kiện cần để có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Cùng với đó cần có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục và lâu dài về khoa học công nghệ (giống, công nghệ chế biến...) để nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng quyết định chuyển đổi nền nông nghiệp lạc hậu sang phương thức sản xuất mới và trình độ sản xuất cao hơn, bền vững hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường xuất khẩu. Khi đó, người tiêu dùng không còn phải lo lựa chọn gạo "nội hay ngoại" cho bữa ăn hằng ngày.
"Việt Nam thật sự không nhất thiết phải sản xuất một lượng lương thực dư thừa bằng 30% sản lượng để bảo đảm an ninh lương thực, trong khi người nông dân trồng lúa có giá trị gia tăng rất thấp. Hầu hết phần chênh lệch giữa sản lượng gạo và tiêu thụ nội địa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từ những năm 2000 đến nay đều được xuất khẩu, chủ yếu nhắm vào thị trường giá thấp, chất lượng thấp. Việt Nam đã bị trói buộc bởi thành tựu về an ninh lương thực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp của mình.
Nguồn: Ngân hàng thế giới (WB)"
Anh Minh (theo www.nhandan.com.vn)