KTĐT - Thành công của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng cho thị trường sản phẩm gạo sạch, an toàn, chất lượng.
Hiệu quả gấp 2 lần
Ông Trần Văn Phượng, ở thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú cho biết, gia đình có 8 sào lúa gieo cấy theo phương pháp hữu cơ, gạo ăn rất ngon, dẻo, vị đậm nên không lo đầu ra. Vụ trước, chỉ chưa đầy 2 tháng sau thu hoạch, gia đình đã hết gạo bán vì nhiều khách đặt hàng. Với giá bán trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc
Hiện nay, bên cạnh việc tiêu thụ nhỏ lẻ của một số gia đình, HTX Nông nghiệp xã Đồng Phú đã trực tiếp làm đầu mối thu mua gạo cho nông dân với giá 25.000 đồng/kg. Đồng thời, chủ động liên hệ với các DN để tiêu thụ ổn định sản phẩm.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú - bà Lê Thị Hồng Lan, nông dân Đồng Phú "bén duyên" với lúa hữu cơ từ 3 năm nay. Được sự quan tâm của TP, huyện Chương Mỹ, năm 2012, Đồng Phú được tiếp cận với dự án PAMSI (sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ) của tổ chức JICA (Nhật Bản). "Ban đầu, dự án được triển khai thử nghiệm chỉ với diện tích 5ha. Qua thực tế, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa thông thường, nên bà con rất phấn khởi, bảo nhau mở rộng diện tích. Kể từ đó đến nay, năm nào xã cũng duy trì sản xuất 20ha lúa hữu cơ mỗi vụ" - bà Lan cho biết.
Nhiều năm trước đây, Đồng Phú chủ yếu gieo cấy các giống lúa thuần, lúa lai, song do sản xuất lúa thương phẩm nên giá trị thu nhập trên héc ta canh tác thấp, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ chuyển dịch sản xuất lúa thương phẩm sang sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa hữu cơ, thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống từng bước được cải thiện. Không chỉ có lúa, Đồng Phú còn áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ trên một số loại cây trồng khác như khoai tây, bí xanh, đậu tương, mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/sào/vụ.
Đảm bảo đầu ra bền vững
Vụ Xuân năm 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, xã Đồng Phú triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ 20ha gieo cấy giống lúa BT7. Do mô hình không sử dụng phân hóa học nên năng suất đạt trên 42 tạ/ha. Lúa hữu cơ BT7 cho giá trị thu nhập cao, giá bán gạo cao gấp 2,5 lần so với lúa Khang Dân. Ông Phạm Văn Thành – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đồng Phú cho biết, bắt tay vào thực hiện mô hình, xã cũng gặp không ít khó khăn do nguồn phân chuồng tại địa phương khan hiếm, nông dân phải đi mua ở các khu trang trại chăn nuôi trong huyện với số lượng lớn. Thêm vào đó, sản xuất lúa hữu cơ yêu cầu phải tập trung gọn khu, đất tốt và thuận lợi tưới tiêu nên việc mở rộng diện tích còn hạn chế.
Hiệu quả kinh tế đã mang lại cho nông dân Đồng Phú từ sản xuất lúa hữu cơ là không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra hiện này là, để người tiêu dùng biết và sử dụng gạo hữu cơ nhiều hơn, Đồng Phú cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Vì vậy, chính quyền và Nhân dân xã kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các giống lúa mới năng suất, chất lượng, nhất là hỗ trợ địa phương trong đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất như máy cấy, máy gặt đập, kho bảo quản, máy xay xát. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm gạo hữu cơ, xã cũng mong muốn được TP, huyện giới thiệu các DN uy tín, có năng lực thu mua thóc, gạo cho nông dân. Có như vậy, sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú mới tạo dựng được thương hiệu, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Và quan trọng là sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất phát triển một nông sản sạch đóng góp cho thị trường Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Ánh Ngọc