Trong tuần qua, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên đã có đợt tăng mạnh, với mức tăng từ 2.100 – 2.200 đồng/kg. Qua đó, đưa giá cà phê nhân xô khu vực này lên ở mức từ 33.200 – 33.900 đồng/kg. Tới đầu tuần này, giá cà phê nhân xô ở Đăk Lăk đã trở lại mốc 34.000 đ/kg.

17-15-22_gi_c_phe_tng_mnh_tro_li

Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, cho hay, đầu tuần này đã xuất hiện giá mua đón ở mức từ 34.000-34.200 đ/kg. Do đó, trong tuần này, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên có thể tiếp tục tăng và ở mức 34.500-35.000 đ/kg.

Giá cà phê nhân xô Việt Nam tăng mạnh trở lại, trước hết là nhờ tác động từ thị trường cà phê thế giới. Trong tuần qua, cả 4 phiên giao dịch cà phê Robusta trên sàn London đều tăng giá. Tổng cộng, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 đã tăng 110 USD/tấn, lên mức 1.498 USD/tấn, khối lượng cà phê giao dịch ở mức trên trung bình. Theo một số chuyên gia ngành hàng cà phê, chỉ qua 4 phiên giao dịch mà tăng tới 110 USD/tấn với cà phê Robusta.

Ở thị trường New York, giá cà phê Arabica cũng đều tăng trong cả 4 phiên của tuần qua. Tổng cộng, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 đã tăng tất cả 11,3 cent (tăng 12,11%), lên ở mức 104,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 11,5 cent (tăng 12,03%), lên ở mức 97,1 cent/lb. Khối lượng giao dịch cà phê Arabica cũng trên mức trung bình.

Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hàng cà phê, giá cà phê Robusta ở sàn London tăng tới 110 USD/tấn và cà phê Arabica ở New York tăng tổng cộng 11,3 cent/lb là điều hiếm thấy.

Vì sao giá cà phê bật tăng mạnh trở lại? Về sản xuất, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil hiện đang gặp khó khăn về thu hoạch do mưa nhiều tại các vùng trồng cà phê chính ở phía Đông Nam nước này. Đồng Real của Brazil tăng giá so với đồng USD đã làm giảm lợi nhuận, nên không khuyến khích nông dân Brazil bán cà phê nguyên liệu. Bên cạnh đó, đã có những dự báo mới cho rằng sản lượng cà phê Barazil sẽ giảm so với những dự đoán trước đó. Cụ thể, Tập đoàn INTL FCStone nhận định, sản lượng cà phê Brasil sẽ thấp hơn 15,9% so với vụ trước, đạt tổng cộng 53 triệu bao, gồm 36,9 triệu bao cà phê Arabica và 16,1 triệu bao cà phê Conilon Robusta.

Tuy nhiên, vấn đề sản lượng và thu hoạch cà phê ở Brazil được cho là không có nhiều tác động tới cà phê thế giới. Mà nguyên nhân chính là những cuộc triến tranh thương mại giữa những nền kinh tế lớn.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2019 đạt 135 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 27,8% về trị giá so với tháng 5/2018. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 767 nghìn tấn, trị giá 1,313 tỷ USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 23% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
NGUỒN: NONGNGHIEP.VN