Nhu cầu hạt tiêu toàn cầu dao động từ 300.000 – 350.000 tấn/năm. Việt Nam có thể cung ứng trên dưới 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% - 65% tổng sản lượng tiêu thế giới.
Chưa khai thác tốt lợi thế
Do sức ép từ nguồn cung khiến giá tiêu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến giá thị trường trong nước. Giá tiêu đã giảm từ 200.000 đồng/kg vào đầu năm ngoái xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg cuối năm. Đà tụt dốc này tiếp tục kéo dài từ đầu năm 2018 và giá tiêu đang dao động từ 47.000 – 49.000 đ/kg.
Trong tháng 7, giá xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng tại cảng Sài Gòn tiếp tục giảm, khiến giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.379 USD/tấn, thấp hơn 51 USD/tấn so với giá bình quân xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 và giảm tới 61,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Dù cuối tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu đã tăng lên 1.000 đồng/kg đạt 49.000 đồng/kg, và trước đó một ngày ở Gia Lai (Chư Sê) giá hạt tiêu cũng tăng nhẹ 500 đồng vượt khỏi mốc 47.000 đ/kg. Còn tại Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai đứng mức 48.000 đồng/kg, sắp chạm giá thành sản xuất và gây khó khăn cho nông dân.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, từ nay đến cuối năm giá hạt tiêu sẽ không có biến động nhiều do nhu cầu thị trường thế giới không tăng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp (doanh nghiệp) xuất khẩu cần phải chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn, và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu xuất khẩu lên.
Theo Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha; năm 2014 là 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152,668 ngàn ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện nay đã gấp 3 lần so với quy hoạch ban đầu. Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).
Theo con đường chất lượng
Sự gia tăng diện tích hồ tiêu Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Năm 2010, thế giới trồng 443.881 ha; đến năm 2015 là 518.823 ha, tăng xấp xỉ 75 ngàn ha so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở Việt Nam.
Đây chính là lý do khiến giá hồ tiêu tụt dốc không phanh trong suốt hơn 1 năm qua, sau khi đã xác lập kỷ lục về giá, lên tới 220 triệu đồng/tấn. Với mức giá đỉnh này, nông dân lãi gấp 5 lần so với giá thành sản xuất nên ai cũng hào hứng mở rộng diện tích.
Theo Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua diện tích tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được, đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu... Do vậy, từ nay cây tiêu không nên đi theo con đường chay theo số lượng nữa mà phải là chất lượng.
"Cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm mà phải kiên quyết kéo giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái', Ông Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, năm 2018, tuy năng suất tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu.
Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ cây tiêu với nông dân không được như những năm trước, và xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi.
Khôi Nguyên (VN Economy)