Hiện hồ tiêu Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng. Ảnh minh hoạ
“Ông lớn” về sản lượng
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, trong thập niên qua, ngành hàng hồ tiêu thế giới thay đổi rất nhanh về sản lượng và hoạt động xuất khẩu. Đặc điểm nổi bật nhất là giá hồ tiêu và tình trạng không rõ ràng của tương lai đối với các nước sản xuất hồ tiêu chủ lực.
Số liệu của 15 năm gần đây cho thấy, không có thêm quốc gia sản xuất hồ tiêu mới thuộc loại hình “ông lớn”, trong khi đó có quá nhiều thay đổi xảy ra ở các nước sản xuất hồ tiêu truyền thống. Việc mở rộng sản xuất hồ tiêu nhìn chung chưa có thay đổi nào, ngoại trừ Việt Nam đã gia tăng diện tích trồng hồ tiêu từ 36.106ha vào năm 2001 lên đến hơn 100.000ha như hiện nay.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, hiện Ấn Độ vẫn là vùng trồng hồ tiêu lớn nhất với 195.000ha trên toàn lãnh thổ; Indonesia duy trì ổn định ở con số hơn 100.000ha; Brazil khoảng 20.000ha; Sri Lanka trên 30.000ha; Malaysia gần 20.000ha; Trung Quốc cũng đã đạt con số trên 25.000ha.
Anh Trần Văn Minh Thiện (xã Bàu Lâm, Xuyên Mộc) bên vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Trần Đáng
Báo cáo của IPC cho biết, sản lượng ngành trồng tiêu thế giới từ năm 1996 đến 2015 tăng rất nhanh, với sự đóng góp tích cực của Việt Nam kể từ năm 2003. Trước đây, nước dẫn đầu luôn là Ấn Độ và Indonesia. Nếu như năm 1990, Việt Nam chỉ đóng góp 4% sản lượng hồ tiêu thế giới, thì đến năm 2000 là 14%, năm 2003 là 25%; năm 2015 là 32% và hiện nay đang chiếm khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Tiếp đến là Ấn Độ góp 18%, Indonesia góp 16%, Malaysia góp 7%...
Hiện, năng suất hồ tiêu Việt Nam cũng đang ở mức cao nhất thế giới khi đạt bình quân trên 2 tấn/ha, trong khi Brazil và Mã Lai chỉ đạt xấp xỉ 1,5 tấn/ha. Ấn Độ và Indonesia cũng có năng suất khá thấp, do vùng sản xuất manh mún, xen lẫn với các hệ thống canh tác khác và ít đầu tư. Gần đây, Sri Lanka, Campuchia cũng cho thấy năng suất của họ có tăng lên.
Hồ tiêu Việt Nam hiện có năng suất, sản lượng cao nhất thế giới nhưng luôn thua kém về giá.
Theo lẽ thường, với một nước chiếm khoảng 30% sản lượng hàng hoá toàn cầu thì đã có thể “làm chủ” được giá thế giới, tuy nhiên thực tế là ngành hồ tiêu Việt Nam luôn bị phụ thuộc bởi giá thế giới cũng như dễ bị biến động bởi tình hình cung cầu. Đáng chú ý là giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam luôn ở trong nhóm “đội sổ” vì thua kém về chất lượng và ít chế biến sâu.
Năm 2016, giá xuất khẩu bình quân của tiêu đen giảm 1.383 USD so với năm 2015, xuống còn 7.636 USD/tấn và tiêu trắng giảm 1.777 USD xuống còn 11.191 USD/tấn.
Còn theo báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT, tuy khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 145 nghìn tấn và 800 triệu USD, tăng 20,4% về khối lượng nhưng giảm tới 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.662,6 USD/tấn, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo lý giải của Bộ NNPTNT, giá hạt tiêu của nước ta thấp chủ yếu là do thua kém về chất lượng và không thể theo kịp các mặt hàng tiêu chất lượng cao từ Indonesia, Ấn Độ, Brazil.
Tiêu trắng thường có giá bán cao hơn so với tiêu đen. Ảnh minh hoạ
“Tụt lùi” về công nghệ chế biến
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù chiếm khoảng 50% thị phần hồ tiêu thế giới nhưng lợi nhuận mà hạt tiêu Việt Nam thu được thường thua xa hạt tiêu của các nước Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Malaysia… Lý do là tiêu xuất khẩu các nước nói trên đạt tiêu chuẩn ASTA (khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế), còn Việt Nam chủ yếu vẫn xử lý bằng hơi nước nên mới chỉ cho ra sản phẩm tiêu sạch. Giá tiêu sạch thấp hơn so với tiêu đạt chuẩn ASTA từ 200 – 300 USD/tấn.
Nhờ có công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, các nước trên đã mua hàng thô của Việt Nam và những nước có công nghệ khác kém hơn để xử lý rồi bán ra thị trường với giá cao. Đơn cử như Ấn Độ, trong niên vụ 2016 – 2017 các doanh nghiệp nước này đã nhập khoảng 19.000 tấn tiêu thô, trong đó phần lớn là tiêu từ Việt Nam về để chế biến sâu.
“Với mức giá hiện tại của tiêu Việt Nam, giá nhập khẩu vào Ấn Độ sẽ là 340 – 350 rupee/kg, chưa tính thuế. Sau khi tính thuế, giá tiêu Việt Nam cũng chưa tới 600 rupee/kg" - ông Jojan Malayil, Tập đoàn xuất khẩu Bafna Enterprises. Được biết, khoảng 90% hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ là tái xuất hạt tiêu nhập khẩu sau khi đã gia tăng giá trị như tinh dầu tiêu, tiêu bột và tiêu khử trùng.
Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) phơi hạt tiêu. Ảnh: TTXVN
Bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, không chỉ thua kém về giá, việc xuất khẩu tiêu vào Mỹ của nước ta cũng gặp khó khăn trong thời gian tới bởi hàng rào kỹ thuật dựng lên ở thị trường này ngày một nhiều. Ngoài quy định về dư lượng tối đa cho phép của một số hoạt chất trừ sâu bệnh, thị trường này còn quy định tăng kiểm tra một số chất khác, như chất dầu khoáng (sử dụng trong đóng gói, vận chuyển) và chất tạo khói nhiễm bẩn (Anthraquinone) có trong quá trình sấy, chế biến sai quy cách.
Bà Oanh nhấn mạnh, với yêu cầu khắt khe về sản phẩm thì buộc ngành hồ tiêu phải thay đổi quy trình khép kín từ thu hoạch đến chế biến để thỏa mãn tiêu chuẩn đưa ra từ các thị trường nhập khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA cũng nhấn mạnh, nếu tăng cường chế biến sâu thì giá trị gia tăng của hạt tiêu còn lớn hơn rất nhiều khi xuất khẩu (có thể lên đến hàng trăm triệu USD/năm). Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược và quyết tâm chuyển dần tỷ lệ xuất khẩu tiêu đen sang xuất khẩu tiêu trắng; gia tăng sản xuất tiêu ASTA (theo tiêu chuẩn của Mỹ) và đẩy mạnh chế biến tiêu bột...
Dân Việt