Phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc trong nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để “dẹp loạn” thị trường phân bón đang là câu hỏi cấp bách, là vấn đề sống còn của ngành phân bón và của nông nghiệp Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới xin lược ghi một số ý kiến được đưa ra tại Hội thảo quốc gia “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức để phần nào giải đáp câu hỏi này.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy: Quy trách nhiệm người đứng đầu
Tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại cho bà con nông dân. Gián tiếp gây nên tình trạng sản xuất thất thường, được mùa thì mất giá và được giá thì lại mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, ngập mặn, hạn hán, bão lụt... Lo ngại hơn, nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng thương hiệu trong nước cũng như quốc tế về nông sản. Xác định tầm quan trọng của phân bón, Nhà nước đã có nhiều nghị định, thông tư...
Mới đây nhất là Nghị định 202... và các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành 8 thông tư liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, có một thực tế hết sức đáng buồn là tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiềm ẩn, gây bức xúc và thiệt hại lớn cho không chỉ người nông dân mà cả Nhà nước. Thủ đoạn làm phân bón giả, kém chất lượng cũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nó phát triển không chỉ trong cơ sở sản xuất, trong các đại lý kinh doanh phân bón mà cả các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
Lấy mẫu kiểm tra phân bón ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)
Diễn biến phức tạp là vậy nhưng việc xử lý cũng lại có không ít vấn đề, có dấu hiệu của bảo kê, lợi ích nhóm tham gia tiếp tay cho gian thương. Đây là những “quả bom nổ chậm” phá hoại nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua. Như trường hợp Công ty CP Quốc tế Đông Trung (Lâm Đồng) đăng ký hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép, bao bì NPK là 53%, nhưng kiểm tra chỉ đạt 8,2%. Hay như trường hợp Công ty Đông Hải (Đà Nẵng), hàm lượng đăng ký là 53%, kiểm định chỉ có gần 3%... Làm phân bón kiểu như vậy có khác nào đem bán đất cho người nông dân vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta nhiều vùng đã có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như phân bón giả nêu trên.
Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là vì hệ thống sản xuất phân bón và kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa được quy hoạch kiện toàn. Các nghị định, thông tư về quản lý, tổ chức kiểm định phân bón chưa được hợp lý, chưa bám sát thị trường, nội dung, tiêu chí, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe... Vậy nên, tôi cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 202 quản lý phân bón. Cụ thể: Quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương nếu để tình trạng cá nhân, tổ chức làm phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn. Tổ chức phân cấp Nhà nước chỉ cần một bộ quản lý hoặc là Bộ Công Thương hoặc là Bộ NN&PTNT chứ không thể để như hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 90% phân vô cơ, Bộ NN&PTNT phụ trách 10% phân hữu cơ. Tăng mức chế tài xử phạn đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón; các cá nhân, tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định; các cá nhân, tổ chức khi tác nghiệp tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê, đồng lõa cho gian thương vi phạm pháp luật về phân bón giả, kém chất lượng...
Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường: Nên thống nhất đầu mối quản lý
Theo số liệu thống kê, hiện trên thị trường có hơn 5.000 sản phẩm phân bón các loại. Số lượng như vậy là quá lớn và nó đang gây khó khăn cho công tác quản lý, khó khăn cho nông dân trong quá trình lựa chọn các sản phẩm phân bón, nó chẳng khác gì đi vào ma trận. Trong khi đó, công tác quản lý phân bón chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc cấp phép sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy mà chưa quan tâm đầy đủ đến việc sử dụng, quản lý, chưa quan tâm đến tính chất đặc thù của hàng hóa, đặc biệt là phân bón. Do đó, quá trình đăng ký, công bố chất lượng chưa quan tâm đến việc hướng dẫn sử dụng theo quy trình sản xuất nên nhiều sản phẩm đăng ký, công bố chất lượng không phù hợp với quy trình sản xuất. Không ít doanh nghiệp vẫn hoạt động, sản xuất kinh doanh khi chưa được cấp phép, chưa được chứng nhận hợp quy, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, quảng cáo quá mức mang tính chất gần như là lừa dối nông dân... Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu, chồng chéo, phức tạp, nhiều quy định phi lý...
Dây chuyền sản xuất phân bón hiện đại của Đạm Cà Mau
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức và chưa đạt yêu cầu. Có đến 95% doanh nghiệp vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân hữu cơ, 100% đại lý vừa kinh doanh phân bón vô cơ, vừa kinh doanh phân bón hữu cơ. Trong khi đó lại đang có sự chồng chéo về việc cấp phép, phối hợp thanh kiểm tra giữa 2 Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Theo quy định, nếu thanh tra 1 nhà máy vừa vô cơ, vừa hữu cơ thì phải có Bộ Công Thương chủ trì. Ra thị trường kiểm tra chất lượng, cán bộ Sở NN&PTNT rất có nghề, có chuyên môn, kinh nghiệm nhưng lại chỉ được kiểm tra phân hữu cơ. Nếu phát hiện phân vô cơ, họ can thiệp, có ý kiến thì sẽ có chuyện.
Thứ nữa, tại sao bây giờ nông dân đang phải đối diện với “ma trận” phân bón trên thị trường. Bởi vì hiện chưa đặt ra các yêu cầu cho các sản phẩm phân bón, việc công bố sản phẩm mới với quy trình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nên người ta cứ phối trộn theo tỷ lệ khác đi một chút là thành loại phân bón khác dù thành phần chẳng khác nhau, có khi chỉ lệch 0,5%... Nhiều sản phẩm phân bón như vậy nhưng hàng năm lại chưa tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng phân bón để phân loại sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, gây khó khăn cho công tác quản lý và hướng dẫn sử dụng, lựa chọn cho người nông dân...
Từ thực tế đó, tôi cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 theo hướng giao cho một bộ quản lý. Bộ Công Thương hay Bộ NN&PTNT đều được miễn sao phải tuân theo các quy định pháp luật. Phân cấp, quy trách nhiệm minh bạch, rõ ràng để hạn chế lợi ích nhóm, hạn chế sự nhũng nhiễu của công chức khi thực thi công vụ. Phải rà soát, bổ sung ban hành tiêu chuẩn quốc gia theo quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là việc công nhận phân bón mới phải có sự phù hợp với mục đích, hiệu quả đối với cây trồng và phải dựa trên một cơ sở khoa học, một tiến bộ khoa học chứ không thể có chuyện cứ thêm 1% là thành phân bón mới được...
Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn: Không cần quá nhiều chủng loại
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn và nhiều địa phương thì có tới gần 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì, đặc biệt là với phân bón hỗn hợp NPK. Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng NPK, ghi mập mờ hàm lượng NPK trên vỏ bao bì, bổ sung chất vi lượng, siêu vi lượng... gây nhầm lẫn, đánh giá lừa người tiêu dùng để trục lợi...
Các đối tượng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, dân trí hạn chế, đời sống khó khăn để dùng chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng như chiết khấu tỷ lệ cao cho các đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ; áp dụng chính sách bán thiếu, bán trả chậm... Sản xuất quy mô nhỏ tại tỉnh này nhưng bán cho các đại lý tỉnh khác với giá rẻ, mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Và nếu trong quá trình bán bị kiểm tra phát hiện, họ sẵn sàng bỏ hết để rồi cho ra sản phẩm mới, nhãn hàng khác, tiếp tục lừa người nông dân. Do trình độ sản xuất thấp, khi bón cho cây trồng, đến cuối vụ, khi thấy cây trồng xấu đi, năng suất thấp... thì người nông dân mới cảm nhận được. Mặc dù bỏ ra khoản tiền lớn mua phân bón nhưng mùa vụ thất thu. Nạn phân bón giả, kém chất lượng vì thế đã làm nhiều hộ nông dân ở những khu vực vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Việc trên thị trường tồn tại hàng ngàn sản phẩm phân bón khiến người nông dân như lạc vào “ma trận”. Và chắc chắn, với số lượng chủng loại phân bón lớn như vậy, bà con nông dân không thể nhớ và hiểu được tác dụng; không có cách nào để nhận biết, phân biệt được phân bón thật, giả trước khi mua. Đây là kẽ hở để các đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người nông dân mà đánh lừa, trục lợi. Điều này đặt ra vấn đề là có cần thiết phải có nhiều chủng loại phân bón như vậy không. Tôi nghĩ là không. Ở các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn và những quốc gia phát triển chỉ tồn tại và sử dụng 30-40 loại phân bón. Ngay nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, họ cũng chỉ có khoảng 100 loại phân bón.
Cần bao nhiêu chủng loại phân bón là đủ để người nông dân dễ nhận biết, chọn lựa và sử dụng hiệu quả. Đó là nguyện vọng của bà con nông dân cần các cơ quan chức năng giải đáp.
Tổng giám đốc Đạm Cà Mau Bùi Minh Tiến: Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Đối với sản xuất phân bón trong nước thì sản xuất phân urê chiếm một vị trí quan trọng. Nếu như trước năm 2012, khi trong nước chỉ sản xuất được 1 triệu tấn phân bón từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ (800 ngàn tấn) và Đạm Hà Bắc (gần 200 ngàn tấn), Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn này, tình hình nhập khẩu diễn biến rất phức tạp với sự biến động khó lường của giá, sốt giá... Nhưng từ năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800 ngàn tấn và sau đó là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc tiếp tục mở rộng, công suất các nhà máy trong nước đã sản xuất đủ, thậm chí là vượt so với nhu cầu. Tình hình sử dụng phân bón nói chung và urê nói riêng trong nước nhờ thế rất ổn định, góp phần lớn vào phát triển nông nghiệp.
Cũng có thực tế, từ năm 2015, cụ thể là từ quý IV/2015, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn này trước hết là tình trạng chung của lĩnh vực sản xuất phân bón trên thế giới hiện đang dư thừa, trong đó có Việt Nam. Nhưng quan trọng, đó là sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất ở nước ngoài, trong đó có các nước đã ký hiệp định thương mại tự do và có hiệu lực từ năm 2015, việc nhập khẩu phân bón nói chung và urê nói riêng đã tăng lên rất nhiều. Đặc biệt là từ những nước sản xuất phân bón từ các nguồn nguyên liệu tài nguyên như nguồn khí từ Trung Đông, Malaysia... với giá rất cạnh tranh, bởi họ có những chính sách hỗ trợ là nguyên liệu đầu vào.
Từ năm 2015, Việt Nam đã chịu sự tác động lớn từ hiện tượng biến đổi khí hậu và nó đã tác động không chỉ đến lĩnh vực trồng trọt mà cả với lĩnh vực phân bón. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long... khiến việc tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn và hiện nó vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Khó khăn là vậy, nhưng từ năm 2015, kể từ khi áp dụng luật về thuế 71/2014 thì mặt hàng phân bón trước đây chịu thuế giá trị gia tăng thì nay chuyển thành mặt hàng không chịu áp dụng. Điều này tưởng chừng sẽ giảm giá phân bón xuống cho bà con nông dân, trước đây là 5% nhưng với các doanh nghiệp sản xuất lại không được khấu trừ đầu vào và nó khiến chi phí sản xuất tăng lên. Riêng với 2 doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong năm 2015, riêng thuế đầu vào không được khấu trừ so với năm trước là vào khoảng 550 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh các đơn vị sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Và riêng 9 tháng đầu năm 2016, con số này cũng vào khoảng 300 tỉ đồng. Đặc biệt, tình hình cạnh tranh không lành mạnh của thị trường trong nước bởi tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng dù đã có cải thiện đáng kể nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp.
Bối cảnh như vậy đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Và trong bối cảnh đó, nếu các doanh nghiệp không có sự nỗ lực, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng và của các cơ quan quản lý Nhà nước thì ngành phân bón có thể đối mặt với nguy cơ thua trên sân nhà.
Trước thực tế trên, tôi cho rằng cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin thay đổi việc áp dụng thuế đối với mặt hàng phân bón. Tức đưa mặt hàng phân bón về quy định trước đây là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng. Mức thuế có thể dao động từ 0-5%, tùy sự tính toán của các cơ quan Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi doanh nghiệp có tồn tại thì mới có đóng góp lâu dài hơn.
Ngoài ra, về vấn đề hàng giả, hàng nhái, tôi cũng xin đặt vấn đề: Tại sao nhận thức của bà con đã có sự thay đổi và đã có rất nhiều kiến thức, hiểu biết nhưng tình trạng này vẫn diễn ra? Rõ ràng ở đây có yếu tố người tiêu dùng chứ không chỉ có đối tượng làm hàng gian, hàng giả. Điều này được giải thích là, thực tế thời gian qua, nhiều bà con mua phân bón chịu, tức không có tiền để quyết định chọn lựa sản phẩm nào tốt nhất cho mình. Và một khi đã mua chịu thì phụ thuộc vào người bán, mà người bán vì lý do lợi ích không lành mạnh, vì lợi ích cá nhân, họ sẽ đưa ra hàng kém chất lượng, người nông dân phải chấp nhận. Thị trường phân bón vì vậy đang rất dễ tính và làm cho các đơn vị sản xuất không nghiêm túc có cơ hội để làm bậy.
Một điểm nữa, so với các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung thì không có nước nào lại như nước ta có nhiều nhà sản xuất phân bón như vậy. Khi nó quá nhiều thì sự cạnh tranh vượt quá mức cần thiết bởi quy luật thị trường, nhiều khi chỉ cần 3 thôi như lĩnh vực viễn thông đã làm giá viễn thông giảm nhưng ở đây, lĩnh vực phân bón lại có hàng trăm, hàng ngàn. Chính việc cạnh tranh quá mức như vậy nên khi người ta không cạnh tranh được, người ta sẽ làm bậy để có hiệu quả để tồn tại.
Đây là vấn đề rất cần cơ quan lý phải vào cuộc xem xét. Còn với riêng người tiêu dùng, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục thông qua Hội Nông dân Việt Nam, rồi phát triển các hợp tác xã kiểu mới để người nông dân không phải người trực tiếp mua phân bón nữa mà là các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp - những người am hiểu về sản phẩm, chất lượng sản phẩm sẽ quyết định mua sản phẩm. Như vậy sẽ giúp các nhà sản xuất chân chính bán được hàng và giúp cho ngành nông nghiệp, bà con nông dân không phải mua sản phẩm kém chất lượng!
Thanh Ngọc
Theo Năng lượng Mới 563