Thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ
Trải qua quá trình hơn 100 năm phát triển, SX cà phê đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam. Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã có các giải pháp như nâng cao hiệu quả, giảm chi phí SX; cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu; phát triển thị trường… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cà phê.
Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa thực sự đáng kể. Hiện cà phê Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để phát triển bền vững, có dấu hiệu làm mất vai trò là cây chủ lực bởi sức ép về chất lượng, thị trường giá cả, nhất là sự phát triển thiếu bền vững…
Một trong những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết là phải tái canh. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như diện tích trồng cây già cỗi (trên 20 năm tuổi) có 86.000 ha, chiếm 13,8% tổng diện tích cà phê; cơ cấu giống chưa phù hợp; tình trạng lạm dụng phân bón; thiếu nước tưới; việc coi trọng cây che bóng và cây chắn gió cho cà phê; công tác chế biến; giá cả…
Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, chiếm 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh với trên 203.737ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 191.483ha. Tuy nhiên, trong vài năm qua giá cà phê giảm mạnh, hiện tại chỉ trên 30 ngàn đồng/kg.
Theo các chuyên gia, chất lượng cà phê Đắk Lắk vẫn chưa thực sự ổn định. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảm sút như dinh dưỡng vườn cây, tuổi đời, dịch bệnh, cơ cấu giống, quá trình thu hái, bảo quản, chế biến. Trong khi đó, ngành cà phê vẫn chưa xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hay các tổ chức nông dân.
Mặt khác, hiện Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu cà phê nguyên liệu thô đến 90%, 10% còn lại là chế biến sâu phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Điều đó dẫn đến giá trị gia tăng và những lợi ích từ sau khâu trồng trọt đem lại cho nông dân và nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với vị thế của cây cà phê.
Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019 là hội nghị xúc tiến đầu tư được tỉnh Đắk Lắk tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra cho tỉnh lợi thế, tiềm năng phát triển cà phê và những việc cần làm ngay. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, Đắk Lắk cần định hướng xây dựng chuỗi SX đối với các sản phẩm lợi thế; khuyến khích thu hút đầu tư liên kết chuỗi, đặc biệt là công đoạn chế biến sâu; thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư lớn…
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh phải thay đổi phương thức SX, tập trung chế biến sâu và nâng cao quảng bá sản phẩm... nhằm nâng tầm cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia nông nghiệp thì Đắk Lắk cần sớm tổ chức lại SX, nhất là đưa các hộ nông dân SX nhỏ, lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… theo hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để hạn chế khâu trung gian, đảm bảo chất lượng vật tư. Khuyến cáo người nông dân không nên lặp lại bài học trước đây chặt bỏ cây trồng khi mất giá để trồng cây khác. Tuyên truyền khuyến khích nông dân tập trung đầu tư trồng cà phê sạch...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Đắk Lắk rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và đảm bảo các điều kiện SX bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng phát triển SX quy mô lớn, tập trung gắn bảo quản, chế biến với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê; tăng cường áp dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản...
VĂN THANH (Nông nghiệp VN)