Sớm tìm nguyên nhân

Cũng như nhiều địa phương khác có trồng sắn, vụ sắn 2018, tỉnh Gia Lai chính thức phát hiện bệnh khảm lá virus trên cây sắnvới diện tích 138 ha, tập trung nhiều tại các địa phương như huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

           Biểu hiện của bệnh trên lá

Ngay khi phát hiện bệnh, các địa phương đã kịp thời báo cáo cấp trên yêu cầu hỗ trợ. Ngành nông nghiệp cũng tức tốc cử cán bộ có chuyên môn cao về các địa phương thống kê, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục.

Huyện Phú Thiện là địa phương có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus nhiều nhất tỉnh (56,7 ha), tập trung tại hai xã Chrô Pơnan và Ia Hiao. Ông Bùi Trọng Thành- Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: "Ngay khi phát hiện virus khảm lá sắn vào đầu tháng 9/2018, huyện đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tăng cường công tác kiểm tra, rà soát diện tích của từng hộ trên địa bàn, xác định diện tích cũng như mức độ nhiễm bệnh để đề xuất hướng xử lý phù hợp".

Cũng theo ông Thành thì triệu chứng của bệnh này là lá cây sắn bị xoăn lại, sau đó vàng lá, không cho củ hoặc củ ít, chất lượng thấp. Còn nguyên nhân chính gây ra bệnh, đó là do khâu chọn giống.

Tại Gia Lai, bà con đang trồng nhiều loại giống khác nhau như HL-S11, KM419, K98/5... Tuy nhiên giống HL-S11 bị nhiễm bệnh nặng nhất. Được biết, giống HL-S11 do Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam đưa về trồng thử nghiệm. Tuy chưa được chính thức công nhận, nhưng nhiều hộ dân đã tự ý mua giống sắn này tại các tỉnh Đông Nam Bộ về trồng. Theo đó, bệnh xuất hiện và lây lan sang các vườn sắn khác, lây cả sang các giống sắn khác.

Ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV (Sở NN-PTNT Gia Lai), cho biết: Đối với bệnh khảm lá virus trên cây sắn, hiện chưa có thuốc đặc trị, trong khi tốc độ lây bệnh rất nhanh. Môi trường truyền bệnh là loài bọ phấn trắng, truyền bệnh qua hình thức hút nhựa cây...

Cũng theo ông Uyển thì, khi xử lý cần phân loại độ tuổi của sắn cũng như tỷ lệ nhiễm bệnh. Đối với loại dưới 3 tháng tuổi, mới hình thành củ nhưng bị nhiễm bệnh trên 50% thì phải nhổ và tiêu hủy toàn bộ, nhằm tránh lây lan vì những diện tích này gần như không cho củ; với cây sắn trên 5 tháng tuổi, nếu tỷ lệ bệnh khoảng 70% thì nhổ cục bộ những cây bị nặng, chăm sóc những cây còn lại và tiến hành thu hoạch sớm, tận thu dù chất lượng kém để giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch xong cũng phải tiêu hủy toàn bộ số cây sắn này...  

Mạnh tay xử lý

Tuy nhiên ban đầu, việc động viên bà con nhổ bỏ diện tích bị nặng gặp khó bởi thời điểm trên, giá sắn đang cao (2.400 đồng- 2.500 đồng/kg) sắn tươi. Trừ chi phí, mỗi ha lãi không dưới 40 triệu đồng. Do vậy, nông dân vì tiếc của mà không nỡ nhổ bỏ.

Hộ ông Phan Văn Quang (thôn Yên Phú 2B, xã Chrô Pơnan, huyện Phú Thiện) là một ví dụ điển hình. Vụ sắn 2018, gia đình trồng được 3 ha. Ban đầu, bệnh xuất hiện trên diện tích nhỏ, nhưng do không phát hiện và khống chế kịp thời nên bệnh lây nhanh, khiến toàn bộ 3 ha của ông bị nhiễm, với mức nhiễm khoảng 70%. Chưa hết, bệnh còn lan sang nhiều vườn sắn của các hộ lân cận.

"Cây sắn sắp bước vào thời kỳ thu hoạch, nhưng nhiều cây không có củ, hoặc củ rất ít. Năng suất và chất lượng sắn năm nay sẽ rất thấp, vì củ gần như không có. Dù vậy, gia đình tôi vẫn cố gắng để lại, thu được ít nào hay ít nấy, để vớt vát lại chút vốn đầu tư”- ông Quang nói.

Chính tâm lý “vớt vát” của không ít người như ông Quang, khiến diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá virus ngày càng tăng. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thành lập các ban chỉ đạo, quyết liệt xử lý theo hình thức tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh trên 70% và tổ chức tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%.

Ông Đoàn Ngọc Có- Phó GĐ Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương có sắn bị bệnh thành lập các ban chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền đến nông dân tác hại to lớn của loại bệnh này; động viên nông dân mạnh dạn nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ những diện tích bị bệnh nặng để tránh lây lan. Đối với những diện tích bị bệnh nhẹ thì khoanh vùng, phun thuốc diệt bọ phấn trắng. Đặc biệt, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiên quyết xử lý mạnh tay những trường hợp nhập vào địa bàn hoặc xuất đi nơi khác các loại giống không rõ nguồn gốc...

Bên cạnh nững biện pháp như trên, các địa phương cũng đã chủ động bố trí và hỗ trợ kinh phí cho nông dân trong việc tiêu hủy theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, với mức 4 triệu đồng/ha. Trong trường hợp các xã không tự cân đối được kinh phí thì báo cáo để UBND huyện xem xét, hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Ông Hà Ngọc Uyển: “Nhằm tránh tình trạng nhiễm bệnh từ địa phương này sang địa phường, chúng tôi nghiêm cấm tất cả những hành vi mua bán giống từ các vùng nhiễm bệnh hoặc từ nơi khác bị nhiễm bệnh về trong tỉnh. Với những vụ tiếp theo, bà con cần nghe khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, của địa phương để trồng những giống sắn không bị nhiễm bệnh, nhằm hạn chế việc lây lan bệnh khảm lá virus nói riêng và các bệnh khác nói chung”.

Ông Đoàn Ngọc Có- Phó GĐ Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Gia Lai: "Gia Lai là tỉnh có diện tích sắn lớn nhất cả nước, khoảng 68.600 ha. Vụ sắn năm 2018, có 138 ha bị bệnh khảm lá virus. Nhờ có công tác tuyên truyền tốt, đi đôi với những động thái mạnh nên hiện tại, 38 ha bị bệnh nặng đã được nhỏ bỏ và tiêu hủy. 100 ha còn lại được khoanh vùng theo giõi, phun thuốc giệt bọ phấn trắng và đang có dầu hiệu khả quan. Đặc biệt đến nay, trên địa bàn không có thêm diện tích mắc bệnh".

TRẦN ĐĂNG LÂM