Lượng đổi… chất sẽ đổi?
Ông Lê Mạnh Tùng, phó giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ, khẳng định từ năm 2016 thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều chương trình hệ sinh thái khởi nghiệp…Tám tháng đầu năm 2107, Cần Thơ có thêm 889 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 3.735 tỉ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Sáu Tia có đủ loại giấy chứng nhận, nhưng hành trình khởi nghiệp rất khó khăn. Ảnh: H.L
Chính quyền cam kết: các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển thị trường... Và “ngày thứ hai dành cho doanh nhân”, quan điểm của thành phố là sau khi nhận được phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp sẽ tiến hành xử lý ngay.
Chông gai vẫn còn
Sự tương phản giữa giai đoạn khởi sự doanh nghiệp với bức tranh tương lai tươi sáng và những bức xúc khi doanh nghiệp vận hành, không chỉ hạn chế bước tiến của từng doanh nghiệp mà còn là nỗi ám ảnh.
Tại buổi đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp” diễn ra vào chiều ngày 14.9, thu hút 200 doanh nghiệp tại Cần Thơ, ông Phạm Hoàng Thắng, giám đốc công ty sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng, doanh nghiệp khoa học công nghệ, từng khởi nghiệp rất sớm, bức xúc: “Vay vốn ở Thốt Nốt, dù đã tất toán nợ cho ngân hàng ba ngày, nhưng người của ngân hàng cứ viện lý do lãnh đạo đi học không trả giấy đỏ lại. Không hiểu tại sao?”.
“Tôi nộp dự án rau sạch công nghệ cao cho cơ quan chức năng 3 – 4 tháng không được trả lời”, bà Lâm Việt Hoà, giám đốc công ty TNHH đầu tư và phát triển Minh Hoà, cứ nghĩ đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được khích lệ, ai dè khởi công thì quận Bình Thuỷ xuống phạt mức thấp nhất 50 triệu đồng, cũng không giải thích vì sao!
Đã 70 tuổi, móm mém, ông Nguyễn Phú Tia, chủ cơ sở sản xuất rượu mận Sáu Tia, Thốt Nốt, nói rằng thuế vụ lên kiểm tra nói loại 600ml nếu bán 200.000 đồng, thì nộp thuế hết 130.000 đồng. Ông Phú Tia có mười năm tìm cách chế biến mận chín rộ – thay vì đổ bỏ khi chín rục – ở cù lao Tân Lộc (3/4 diện tích 3.623ha trồng mận), đã đăng ký và được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, nhưng ông kể: “Mười mấy tấm giấy phép toàn quốc tui có hết, tấm nào hết hạn thì đăng ký gia hạn, giấy phép mẹ, giấy phép con, giấy phép cháu ngoại nhiều quá”.
Không thể đổi “lốt” nhanh được
Hồi tháng 5.2017, Cần Thơ đưa ra bốn giải pháp chính để thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp (mỗi năm khoảng 1.700 doanh nghiệp) lập doanh nghiệp mới theo hướng lập nghiệp và khởi nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố; phát triển hộ kinh doanh cá thể lên mô hình doanh nghiệp; vận động các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty, doanh nghiệp chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp trực thuộc đóng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng gặp nhiều trở ngại.
“Đang làm ăn yên ổn, tự nhiên lên doanh nghiệp thì đủ thứ chuyện. Nào thuế, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, đủ loại thủ tục… Chừng nào bớt được những chuyện này thì mới khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp”, TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn đề án Phát triển công nghiệp TP.HCM, giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm từ TP.HCM.
TS Điền cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhà nước nhìn chung để hỗ trợ từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường. Những ý tưởng khởi nghiệp, khả năng thành công rất thấp. Cách đang làm là hô hào, thay vì làm điều quan trọng là nuôi dưỡng nó. Muốn làm được điều đó thì phải có lực lượng doanh nghiệp dẫn dắt. Đây mới là vấn đề căn cơ.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, giám đốc trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng trên cơ sở lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, nên sử dụng những đơn vị ngoài Nhà nước tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, để giảm tải hoặc thay thế cho cơ quan nhà nước.
Theo ông Tuệ, kiến tạo tinh thần khởi nghiệp nên trang bị những kiến thức cơ bản; lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ; tạo ra nhiều hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, giúp đỡ xây dựng kế hoạch kinh doanh; tư vấn giải pháp, tạo ra các điều kiện thực tế thuận lợi cho khởi nghiệp...). Công tác đào tạo mang tính xã hội hoá được giao cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, điều kiện để thực hiện. Khuyến khích các hội, hiệp hội và kể cả doanh nghiệp, huy động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh các giải pháp cải cách thực chất.
Theo Ngọc Bích – Nam Việt – Vân Anh (Thế Giới Tiếp Thị)