Xuống giống sớm
Tỉnh Kiên Giang có 3 vùng sinh thái khác nhau là U Minh Thượng, Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, vùng U Minh Thượng không bị ảnh hưởng bởi mùa nước nổi từ hệ thống sông Mê Kông nên thường gieo sạ lúa ĐX sớm.
Nông dân ĐBSCL đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ ĐX 2017-2018
Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ ĐX 2017-2018 gieo sạ tập trung thành 3 đợt chính. Đợt 1 từ 5-20/9, các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận) bị ảnh hưởng hạn, mặn cuối vụ. Đợt 2 từ 5-20/10, các huyện vùng U Minh Thượng không bị ảnh hưởng hạn, mặn cuối vụ và các huyện làm lúa 3 vụ/năm chủ động bờ bao bơm rút nước ra, thuộc các huyện vùng Tây sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành). Đợt 3 từ 5-20/11, đối với các khu vực SX lúa 2-3 vụ/năm của vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành) và TP Rạch Giá. Riêng đối với các khu vực trũng không thể gieo sạ vào đầu tháng 12 nhưng không trễ quá 20/12.
Cơ cấu giống lúa được khuyến cáo gồm các giống thích ứng rộng, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: GKG 1, GKG 9, OM 2517, OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85... Tùy theo điều kiện sinh thái từng vùng hoặc theo hợp đồng đặt hàng của các doanh nghiệp, nông dân có thể bổ sung thêm các giống OM 5954, OM 7347, Thơm RVT, Đài Thơm 8, ĐS 1 (lúa Nhật)...
Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tính đến cuối tháng 10, diện tích lúa ĐX 2017-2018 trên địa bàn tỉnh nông dân đã gieo sạ sớm được 25.545/290.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng. Lúa đang phát triển tốt, trời mưa đều, thuận lợi canh tác. Trà lúa này sẽ thu hoạch cùng với lúa vụ mùa (lấp vụ trên nền đất nuôi tôm) vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đây sẽ là nguồn cung lúa hàng hóa sớm nhất của tỉnh trong niên vụ SX lương thực 2018.
Đang chăm sóc hơn 2 ha lúa ĐX sớm đã xuống giống được gần 1 tháng, lão nông Danh Hớn, ở xã Hưng Yên (An Biên - Kiên Giang), phấn khởi: “Nếu thuận lợi thì chỉ hơn 2 tháng nữa là sẽ cho thu hoạch. Hy vọng giá lúa sẽ còn duy trì ở mức cao”.
Trưởng phòng NN-PTNT An Biên Ngô Trấn Hỷ cho biết, đến thời điểm này nông dân trong huyện đã gieo sạ xong diện tích lúa ĐX sớm với 9.600 ha, phần lớn lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Diện tích lúa này sẽ cho thu hoạch vào đầu năm 2018 tới. Nông dân rất phấn khởi vì hiện nay nhu cầu thị trường đang tăng cao, trong khi từ nay đến thời điểm đó khu vực ĐBSCL ít địa phương có lúa thu hoạch sớm.
Tương tự, các huyện khác trong vùng nông dân cũng xuống giống lúa ĐX sớm được khá nhiều. Cụ thể, huyện Vĩnh Thuận gần 6.500 ha, U Minh Thượng 7.500 ha và Gò Quao 4.400 ha... Nông dân hy vọng đây sẽ là vụ lúa thắng lợi cả về năng suất lẫn giá cả.
Tuân thủ lịch thời vụ
Tại TP Cần Thơ công tác chuẩn bị vụ lúa ĐX tất bật không kém. Nông dân cho vệ sinh đồng ruộng, trục chạt bằng phẳng mặt ruộng chờ xuống giống theo lịch thời vụ để né rầy.
Năm nay thời tiết khá thuận lợi giúp nông dân xuống giống vụ ĐX theo đúng lịch thời vụ
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ cho biết: Vụ ĐX toàn thành phố dự kiến xuống giống khoảng 84.000ha. Ngay trong mùa nước lũ, các địa phương vận động nông dân nhấn chìm lúa chét, cỏ trên ruộng để không còn nơi cư trú cho rầy nâu, đây là biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn để cắt nguồn rầy.
Đối với những vùng đất cao, ngay sau khi thu hoạch lúa TĐ 2017 cần tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ vì đây là những nơi lưu tồn, tích lũy mầm dịch bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy. Cày bừa trục kỹ, tu sửa bờ bọng để có thể chủ động được nước khi vào vụ, hạn chế cỏ dại. Bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ.
Kế hoạch xuống giống tập trung 2 đợt lúa chính như sau: Đợt I: Ngày 23/11 đến 29/11/ 2017 (6/10 đến ngày 12/10 âm lịch). Đợt II: Từ ngày 9/12 đến 15/12//2017 (22/10 đến ngày 28/10 âm lịch)
Theo bà Hiếu, vụ lúa ĐX 2017-2018 thành phố khuyến cáo nông dân chọn giống tốt, sử dụng giống xác nhận trở lên đảm bảo chất lượng giống sạch có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, cần xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn, cháy bìa lá... bằng dung dịch nước muối 15%, hoặc có thể dùng chất kích kháng Biosar, thuốc hóa học theo khuyến cáo của nhà SX. Các giống chủ lực như Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, OM 2517, OM 7347...
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích xuống giống sớm nhất ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Kế hoạch vụ ĐX 2017-2018 toàn tỉnh xuống giống khoảng 206.000ha, năng suất ước tính bình quân đạt 68 tạ/ha, sản lượng 1,4 triệu tấn.
Đồng Tháp chủ trương SX khoảng 60% diện tích lúa chất lượng cao; khoảng 45% diện tích áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng. Tỉnh yêu cầu các huyện, thị vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt để né rầy và không bị ảnh hưởng các loại dịch bệnh khác. Mục tiêu của tỉnh là sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập nông dân...
Tỉnh đề ra khung thời vụ xuống giống theo 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 1 đến 7/11) xuống giống khoảng 50.000ha, ở các huyện Tháp Mười, Tân Hồng và Cao Lãnh, đây là những khu vực gò cao, mực nước lũ thấp, có đê bao vững chắc, có thể chủ động bơm rút nước để xuống giống và tiêu nước khi bị ngập úng do mưa. Đợt 2 (từ 29/11 đến 5/12), đây là đợt xuống giống tập trung tại các huyện, thị, với diện tích khoảng 100.000ha (chiếm gần 50% diện tích kế hoạch). Xuống giống đợt này, dự kiến lúa đông xuân thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán 2018. Để việc tiêu thụ lúa thuận lợi thì các địa phương cần chủ động liên kết, bao tiêu trong SX… Đợt 3, từ cuối tháng 12 đến tuần đầu tháng 1/2018, sẽ xuống giống dứt điểm đối với những diện tích còn lại và nhằm cách ly thời vụ cho vụ hè thu 2018.
Thời điểm này, nông dân các xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) chủ động xuống giống, chọn các loại giống chất lượng cao như: OM 4900, OM 6976, Jasmine 85... có tính kháng rầy, ít nhiễm sâu bệnh cho năng suất cao và phù hợp với vụ đông xuân. Bên cạnh việc chủ động xuống giống đồng loạt thì các ngành chức năng huyện cũng khuyến cáo bà nông dân áp dụng tốt các biện pháp canh tác giảm giá thành bằng hình thức sạ thưa, sạ hàng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Vụ lúa ĐX 2017-2018 hứa hẹn một mùa thắng lợi
+ Ông Nguyễn Văn Tú, ở ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã xuống giống hơn 3ha lúa chất lượng cao cho biết, năm nay xả lũ nông dân đỡ tốn nhiều chi phí về diệt cỏ, ốc bươu vàng, rầy nâu và các loại khác, giảm chi phí 200 - 300 ngàn đồng/công. Nông dân khu vực này đã tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ, tránh các đợt mưa lớn sắp tới gây thiệt hại giống.
+ Vụ ĐX 2017 - 2018, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) dự kiến sẽ xuống giống hơn 24.900 ha với các giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu tốt. Tính đến nay, toàn huyện đã xuống giống được hơn 500 ha tập trung ở các xã: Bình Phú, Tân Thành A, Tân Thành B, Tân Phước… Trước đó, để chủ động, sẵn sàng cho vụ mùa mới, ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng đã đầu tư nạo vét kênh kết hợp làm bờ đê sông Cái, các tuyến thủy lợi nội đồng, nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội thông với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng từ các nguồn Trung ương và địa phương đối ứng.
HOÀNG VŨ - ĐÀO CHÁNH - CHÍ TRUNG (Trongtrot.com.vn)
HOÀNG VŨ – ĐÀO CHÁNH – CHÍ TRUNG