Nông dân Sóc Trăng gieo mạ chuẩn bị SX vụ ĐX
Hiệu quả chuyển đổi
Đến nay các vụ lúa trong năm ở Nam Bộ vào giai đoạn kết thúc. Hơn 50% diện tích lúa TĐ đã thu hoạch (trong tổng số hơn 750.000ha) và trên đồng còn hơn 300.000ha lúa vụ mùa. Tổng hợp báo cáo từ các Sở NN-PTNT, toàn vùng gieo sạ hơn 4,4 triệu ha, giảm gần 78.200ha, năng suất ước đạt 56,12 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha và sản lượng đạt hơn 24,9 triệu tấn, giảm khoảng 300.000 tấn so năm 2016.
Theo kế hoạch, vụ ĐX 2017 - 2018 Nam Bộ SX hơn 1,6 triệu ha lúa, giảm hơn 3.500ha; năng suất 64,76 tấn/ha, tăng 2,57 tạ/ha, sản lượng hơn 10,4 triệu tấn, tăng hơn 392.000 tấn so với vụ ĐX 2016 - 2017. Trong đó ĐBSCL sạ hơn 1,5 triệu ha, giảm hơn 3.500ha; năng suất 65,15 tấn/ha, tăng 2,69 tạ/ha và sản lượng trên 10 triệu tấn, tăng 390.500 tấn so với ĐX 2016 - 2017.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt phân tích: Nguyên nhân giảm sản lượng lúa không do thiên tai mà là do phần diện tích lúa giảm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng hằng năm và lâu năm có hiệu quả kinh tế. Riêng vụ ĐX giảm 13.000ha, năng suất giảm 1,8 tạ/ha, sản lượng giảm 375.000 tấn do một số tỉnh bố trí xuống giống sớm né mặn cuối vụ; lúa trổ vào thời điểm gặp mưa trái mùa, thời gian chiếu sáng lại thấp hơn khoảng 30 - 200 giờ so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số loại sâu bệnh gây hại cục bộ. Đối với các vụ lúa HT, TĐ và mùa diện tích gieo trồng tiếp tục giảm, tuy năng suất và sản lượng có tăng nhưng không đáng kể (HT tăng 34.000 tấn, TĐ tăng 17.000 tấn). Ngoài ra việc nông dân chuyển sang trồng các giống lúa đặc sản để nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả SX, nhưng năng suất, sản lượng lại có phần sụt giảm.
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường lúa gạo tháng cuối năm khởi sắc, nông dân được mùa, trúng giá, lợi nhuận đạt từ 30% đến trên 50%. Đó là do xu hướng canh tác chuyển đổi: Sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng các giải pháp kỹ thuật hạ giá thành SX.
Theo Cục BVTV, để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, né rầy và chế độ thủy văn, lịch thời vụ gieo sạ vụ ĐX 2017 - 2018 khuyến cáo chung toàn vùng Nam Bộ từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, chia thành 3 đợt chính
- Đợt 1: 1 - 7/11 (13 - 19/9 ÂL), thu hoạch: 15 - 22/12 ÂL.
- Đợt 2: 29/11 - 5/12 (12 - 18/10 ÂL), thu hoạch: 20 - 27/10 ÂL.
- Đợt 3: 28/12 - 8/01 (11 - 22/11 ÂL), thu hoạch: 20 - 30/02 ÂL.
Bên cạnh đó, các mặt hàng rau quả XK đang xác lập kỳ tích mới, trong 9 tháng năm 2017 XK đạt hơn 2,6 tỉ USD tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Từ đó kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa khả quan. Một số mô hình cây ăn quả ở Vĩnh Long sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa. Điển hình như mô hình trồng cam sành đạt lợi nhuận bình quân 370 triệu đồng/ha.
Hứa hẹn mùa lúa mới
Chuẩn bị vụ ĐX và cả năm 2018, Cục Trồng trọt xác định: Trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững. Vùng ĐBSCL tập trung sắp xếp lịch thời vụ SX lúa hợp lý, hiệu quả, cơ cấu giống phù hợp, giảm giá thành, tăng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi nhuận cao; dự tính, dự báo sản lượng lúa gạo, cây ăn trái; tổ chức quản lý vùng trồng một số cây trồng chủ lực: lúa, cây ăn quả, cây ngắn ngày, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vùng Đông Nam Bộ tập trung chăm sóc, bảo vệ cây công nghiệp, quản lý việc mở rộng phát triển cây ăn trái theo hướng tập trung, kiểm soát chất lượng giống và áp dụng mạnh mẽ các kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Theo dự báo từ cơ quan chuyên môn khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vụ ĐX 2017 - 2018 sẽ diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho SX canh tác lúa, cây ăn trái và các cây trồng khác khá thuận lợi. Trong tháng 2, 3 xâm nhập mặn có khả năng xảy ra nhưng không gay gắt, cần chủ động các giải pháp quản lý nước.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Năm 2018 trước tiên cần phải chăm sóc, bảo vệ thành quả bằng được vụ lúa ĐX. Hiện nay nhiều diện tích lúa còn trên đồng ở một số địa phương phát triển tốt. Tuy nhiên cần đề phòng sâu bệnh, không thể chủ quan. Mặc dù đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu SX nhưng đối với cây lúa vẫn phải đặc biệt quan tâm. Cùng với dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) triển khai ở 8 tỉnh, các địa phương khác cần tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm) nhằm phục hồi và tăng năng suất, sản lượng và hạ giá thành SX. Khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ (né rầy), sử dụng giống xác nhận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm lượng giống gieo sạ…
Vùng tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng khá - tốt: OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 4218, OM 5451, Jasmine 85...
Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình - khá: IR 50404, VD 20, OM 6976, OM 4218, OM 4900, OM 5451...
Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao: Jasmine 85, OM 4900, OM 6976, OM 4218, OM 5451...
Vùng ven biển Nam Bộ ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, chịu được điều kiện khó khăn: OM 4900, OM 6976, OM 5451, OM 6162, IR 50404...
HỮU ĐỨC (Nông Nghiệp Việt Nam)