Chỉ đánh giá chất lượng bằng… cảm quan
Theo Bộ NNPTNT, tổng giá trị nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam ước đạt 754 triệu USD, trong đó Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm 9,1% kim ngạch, chỉ sau Thái Lan (chiếm 45,7%).
Những tháng qua, chúng ta đã bỏ ra hơn 110 triệu USD để nhập rau quả Trung Quốc, tăng 31 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng khoảng 700 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày người Việt bỏ ra gần 17 tỷ đồng để mua và ăn rau quả của Trung Quốc.
Điều đáng nói là trong khi các sản phẩm của Thái Lan chủ yếu vận chuyển chính ngạch từ các doanh nghiệp phân phối Thái Lan có mặt tại Việt Nam thì rau quả của Trung Quốc đưa sang Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch, đưa về các chợ đầu mối sau đó phân phối ở hệ thống chợ dân sinh khắp nơi với giá tương đối rẻ.
Rau quả về các chợ dân sinh chủ yếu được đánh giá bằng cảm quan. Ảnh tư liệu
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Loan - Phó Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên, chợ đầu mối kinh doanh rau quả trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thừa nhận, cho đến nay mọi sản phẩm rau quả ra vào chợ chỉ được đánh giá bằng cảm quan, chứ chưa có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, giám sát các chất tồn dư.
“Do tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên thời gian gần đây, lượng rau quả từ Trung Quốc về chợ không nhiều, khoảng 40-50 tấn/ngày, chủ yếu là những loại quả theo mùa như táo, lê, mận…
Theo quy định, các xe hàng khi thông quan đều đã được kiểm tra, kiểm dịch, khi về chợ mỗi xe đều phải có một bộ hồ sơ đi kèm với đầy đủ giấy kiểm dịch, hóa đơn thuế, số lượng hàng. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra các giấy tờ đó, còn khẳng định hàng Trung Quốc có đảm bảo chất lượng hay không thì phải là trách nhiệm của cơ quan chức năng”- ông Loan nói.
Cũng theo ông Loan, rau quả Trung Quốc sau khi về chợ Long Biên lại được các đầu mối phân phối về các chợ nhỏ lẻ ở nhiều địa phương. Để nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh, chợ cũng đã tuyên truyền, tổ chức các khóa tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiểu thương kinh doanh tại chợ, đồng thời ban hành các chế tài đối với các hộ vi phạm.
Được biết, theo định kỳ, lực lượng chức năng cũng thường xuyên lấy mẫu hoa quả ở chợ Long Biên để kiểm tra. “Nhiều năm qua không phát hiện trường hợp nào vi phạm quá nghiêm trọng ở chợ Long Biên. Theo cảm quan đánh giá, chất lượng hàng Trung Quốc vẫn đảm bảo, khách du lịch Trung Quốc cũng vào chợ tìm mua hàng của họ”- ông Loan cho biết thêm.
Theo Ban quản lý chợ Long Biên, chợ có khoảng 1.000 hộ tiểu thương đang kinh doanh, lượng hàng hóa ra vào chợ khoảng 100 tấn mỗi ngày, trong đó hàng Trung Quốc chiếm 40-50 tấn. Rõ ràng, con số không hề nhỏ mà chỉ đánh giá bằng cảm quan thì xem ra không ổn.
Sao không truy xuất?
Tương tự như ở Long Biên, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), mỗi ngày lượng rau quả có xuất xứ từ Trung Quốc về chợ chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng, nhiều nhất là cam, quýt, táo, lê, hành, tỏi… Tuy nhiên, các loại nông sản Trung Quốc thường được phân phối về các chợ nhỏ lẻ và hầu như không có nhãn mác.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hiện tượng rau quả Trung Quốc “núp bóng” những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Mỹ, Úc, New Zealand không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp mà còn khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” các sản phẩm rau quả trên thị trường.
Việc sử dụng tem giả một cách quá dễ dàng, vấn đề truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu không được làm chặt chẽ đã khiến hiện tượng này tồn tại bao nhiêu năm qua, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi… nhìn gì cũng ra hàng Trung Quốc.
Cũng không loại trừ khả năng, nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, về Việt Nam sẽ được tiểu thương dán tem, “phù phép” thành những loại rau quả đến từ Mỹ, Úc, New Zealand. Một thành viên Ban quản lý chợ Long Biên tiết lộ: “Tem truy xuất người ta cũng có thể làm giả, muốn bao nhiêu cũng có”.
Từ thực tế này, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho rằng, đã đến lúc phải kiểm soát chặt đầu vào của nông sản Trung Quốc bằng việc truy xuất nguồn gốc ngay từ cửa khẩu, đặc biệt thông tin về các loại sản phẩm có nguy cơ chứa chất độc hại phải được công bố rõ ràng để người dân biết.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hiện tượng rau quả Trung Quốc “núp bóng” những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Mỹ, Úc, New Zealand không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp mà còn khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” các sản phẩm rau quả trên thị trường.
Việc sử dụng tem giả một cách quá dễ dàng, vấn đề truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu không được làm chặt chẽ đã khiến hiện tượng này tồn tại bao nhiêu năm qua, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi… nhìn gì cũng ra hàng Trung Quốc.
Vốn được coi là dễ tính nhưng từ 1.4.2018, Trung Quốc đã áp dụng truy xuất nguồn gốc với một số trái cây Việt Nam. Vụ thu hoạch vải thiều vừa qua, các sản phẩm vải xuất sang Trung Quốc đều được chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ người dân dán tem truy xuất, phía thị trường nước bạn cũng cấp cho quả vải Lục Ngạn (Bắc Giang) một mã vạch riêng để nhận diện. Vậy tại sao ta không làm ngược lại với rau quả đến từ thị trường này để người tiêu dùng an tâm khi sử dụng và cũng là để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp?
Vậy nhưng, những lý do muôn thuở như: các khâu kỹ thuật trong kiểm soát chất lượng rau quả từ lúc trồng đến khi thu hoạch của Việt Nam còn kém và chưa hoàn thiện đã cản trở quá trình truy xuất nguồn gốc của các loại rau quả xuất xứ từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Loan cũng cho biết thêm, Ban quản lý chợ Long Biên đã kiến nghị thành phố trang bị hệ thống máy test hiện đại nhưng do kinh phí quá lớn nên khó thực hiện ngay được. Mọi đánh giá chất lượng sản phẩm cho đến thời điểm này, chủ yếu bằng… mắt và niềm tin.
Theo Dân Việt