“Không thuốc trừ sâu, không sử dụng hạt giống biến đổi gen” – Đó là 2 trong số 5 tiêu chí mà nhóm sinh viên ở Đà Nẵng đề ra trong quá trình giúp bà con nông dân sản xuất rau sạch. Và sau khi “hóa thân” trở thành những người nông dân thực thụ, họ lại sắm vai làm nhịp cầu nối đưa sản phẩm rau chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. 

Đó là mô hình đầy mới lạ, thể hiện ý thức, vai trò xã hội cao của 5 bạn trẻ: Nguyễn Thanh Chung, Lê Đức Tuấn, Nguyễn Bình Tâm (Đại học Bách khoa Đà Nẵng)  cùng Nguyễn Trung Tín, Trần Văn Đức (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và Trần Thị Thùy Trang (Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

Từ giảng đường đến đồng ruộng

Hơn một năm nay, cánh đồng rau bạt ngàn cây lá nức tiếng ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đón chào những vị khách hết sức đặc biệt. Họ là 5 chàng trai, cô gái trong nhóm Mộc Nhiên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. 

Sau khi tiếp thu bài học từ ghế giảng đường, họ tình nguyện lặn lội vượt hàng chục cây số tìm tới vùng quê chỉ với mục đích được làm… nông dân. 

Chia sẻ về hành động mà nhiều người tặc lưỡi bảo rằng chỉ có bị “hâm” mới đi làm cái chuyện không giống ai, Nguyễn Bình Tâm (trưởng nhóm) bộc bạch: “Hằng ngày, theo dõi trên vô tuyến truyền hình, chứng kiến thực tế tình trạng rau bẩn tràn lan khắp nơi, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, chúng em mới hình thành ý tưởng “Nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản”. Mục đích là sản xuất nguồn rau an toàn, chất lượng, qua đó góp phần đem lại bữa cơm đảm bảo sức khỏe người dân”.


Hướng dẫn người dân trồng rau hữu cơ - Ảnh: Tam Liên 

Theo Tâm, sau khi định hình và vạch ra kế hoạch chương trình hành động suốt hàng tháng trời ròng rã, đến giữa tháng 5/2015 thì nhóm quyết định rong ruổi khắp các vùng quê trồng rau lớn nhỏ ở ngoại ô thành phố để thực tế triển khai mô hình. 

Cuối cùng, sau chuỗi ngày dầm mưa dãi nắng ở khắp mọi nẻo đường của các cánh đồng chuyên canh hoa màu, 5 sinh viên năng động với sự nhiệt huyết, cống hiến của tuổi trẻ đã tìm được cho mình “bến đỗ”. 

Trang trại rau sạch “5 không” chất chứa khát vọng làm rau sạch: không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc trừ bệnh và không sử dụng hạt giống biến đổi gen của Mộc Nhiên cũng từ đó mà ra. 

Vậy là đều đặn mỗi tuần 3 buổi, tranh thủ quỹ thời gian rảnh rỗi ngoài giờ lên lớp, 5 cô cậu trong tương lai không xa sẽ là tân kỹ sư, cử nhân… lại vận trên mình những bộ áo quần sờn vai, bạc màu đúng chất nông dân để vác cuốc ra đồng. 

Nhắc đến khoảng thời gian mới “tập sự” vào nghề, trên gương mặt trẻ trung nhưng làn da dần sạm đen vì suốt hơn một năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” của các thành viên lại rạng lên vẻ ngượng nghịu. Gặng hỏi mãi thì Trần Thị Thùy Trang (bạn nữ duy nhất trong nhóm) mới vui vẻ thổ lộ: “Ban đầu làm ruộng chưa quen, tay người nào người nấy chai sần, nổi mọng nước. Có lẽ chúng em sẽ không bao giờ quên lứa rau đầu tiên bị mất trắng do không nắm kĩ chu kì dùng thiên địch để diệt sâu bọ. Dần dà, khi đã tìm hiểu trên mạng và tham khảo các sách hướng dẫn, nghề nông bây giờ với tụi em đơn giản hơn rất nhiều”.

Nhìn cánh đồng rau xanh ngắt một màu, ông Mạc Trang (chủ trang trại rau được nhóm đầu tư triển khai xây dựng) không giấu nổi cảm xúc phấn khởi. Giọng hồ hởi, ông Trang khoe: “Từ ngày có các bạn trẻ xuống triển khai dự án trồng rau sạch, chất lượng và sản lượng rau của gia đình tôi tăng lên đáng kể. Sắp tới tôi dự định mở rộng diện tích lên 5.000 m2 và hy vọng tiếp tục được các cháu hỗ trợ phương pháp kỹ thuật canh tác, làm rau sạch như thời gian qua”.

Mang rau xuống phố

Khi công đoạn sản xuất rau sạch đã trở thành bài toán dễ dàng hơn với những “nông dân” còn ngồi trên ghế giảng đường thì các bạn ấy lại tiếp tục triển khai một chương trình vô cùng ý nghĩa. Đó là dốc sức mang những bó rau sạch xuống phố để trao tận tay người tiêu dùng. Giờ đây, ở các ngôi chợ lớn nhỏ giữa lòng thành phố Đà Nẵng, sản phẩm rau sạch Mộc Nhiên đã không còn xa lạ. Những gian hàng cắm bảng in to dòng chữ: “Rau sạch, 5 không” dần dà trở thành địa chỉ thân thuộc, đáng tin cậy và chiếm lấy cảm tình ngày một lớn của các bà, các chị nội trợ.


Mang rau sạch xuống phố - Ảnh: Tam Liên

Nói đến chương trình này, Nguyễn Bình Tâm cho hay: “Làm ra rau sạch là một chuyện nhưng để tìm thị trường tiêu thụ tiềm năng lại là chuyện khác. Sau khi bàn bạc, đầu năm nay, nhóm quyết định vận chuyển rau xuống phố cung ứng cho người dân. Để tăng tính thuyết phục, chúng em cố gắng ghi lại những hình ảnh trong quá trình lao động, từ công đoạn gieo giống đến bón phân, chăm sóc và thu hoạch. Thêm vào đó, tụi em trực tiếp giới thiệu với người tiêu dùng ngay tại quầy về chất lượng rau mà tụi em bày bán với mong muốn khẳng định yếu tố sạch, chất lượng là phương châm hành động của nhóm”.

Trao đổi về dự định tương lai dành cho dự án rau sạch mang tính cộng đồng này, cả nhóm chia sẻ sắp tới sẽ đẩy mạnh việc bán hàng online, song song với bán buôn trực tiếp ngoài chợ như thời gian qua. “Cái đích chúng em hướng tới là việc giao dịch, mua bán rau sạch sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện trên mạng. Hiện nay, nhóm đang hoàn thiện trang web và sẽ cố gắng đưa ứng dụng này vào kinh doanh sớm nhất có thể”, Tâm cho biết.

Tam Liên