Theo ông, đâu là những khó khăn trong sản xuất mía tại ĐBSCL hiện nay?

- Những năm gần đây, việc chuyển đổi giống mía có chất lượng cao được nông dân làm tốt, đặc biệt là giống ROC 16 (năng suất đạt từ 90-100 tấn/ha) với chữ đường đạt 10 CCS. Tuy nhiên, năng suất và chữ đường này vẫn còn thấp hơn so với các khu vực khác trong nước và thấp nhiều so với các nước sản xuất mía đường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô sản xuất mía tại ĐBSCL vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chưa có những trang trại và cánh đồng mía lớn mà chủ yếu là quy mô nông hộ với diện tích mía bình quân đạt 0,7ha/hộ. Không những thế mà cây mía còn bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại cây trồng khác.

Một số nơi ở ĐBSCL là vùng đất trũng, cây mía còn bị ảnh hưởng khi lũ về. Đôi lúc người dân phải thu hoạch mía ồ ạt để chạy lũ, dẫn đến chất lượng mía không đạt, kéo theo thu nhập cũng giảm. Ngoài ra, việc trồng mía tại những vùng trũng và ngập trong mùa lũ cũng làm cho chi phí sản xuất mía tăng lên do không lưu gốc được.

Phải nói thêm là do diện tích trồng mía nhỏ lẻ trên nền đất yếu nên việc cơ giới hóa ở vùng này vẫn chưa có giải pháp nào thực thi. Tất cả các khâu từ chăm sóc đến khi thu hoạch đều là thủ công nên giá thành sản xuất mía khá cao (bình quân 600-750 đồng/kg mía).

Do đặc điểm sông ngòi chằng chịt nên việc vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy ép phải mất từ 3-4 ngày, làm giảm đáng kể chất lượng mía.         


Người dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) thu hoạch mía.  Ảnh: Chúc Ly     

Còn với các công ty sản xuất, chế biến đường?

- Kể từ khi thực hiện cổ phần hóa với hàng loạt giải pháp xử lý tài chính kèm theo đã làm cho các công ty liên tục phát triển. Các công ty này đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng công suất. Trong đó, có công ty đã từng bước tự động được một số khâu quan trọng, nâng cấp sản phẩm từ đường trắng sang đường tinh luyện.

Bên cạnh đó, vẫn có công ty có công suất ép thấp, vùng mía nguyên liệu cũng chậm phát triển. Đến nay, phần lớn các công ty vẫn chưa khai thác được các nguồn thu từ các sản phẩm phụ của ngành mía đường như: Sản xuất phân bón từ bã bùn, sản xuất ethanol từ mật rỉ...Cũng vì lý do trên mà ĐBSCL trước kia có 10 nhà máy đường trải dài từ Long An đến Cà Mau nhưng nay đã có 3 nhà máy (tại Long An, Kiên Giang và Cà Mau) đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được.


Vậy giải pháp cần thực hiện để ngành mía đường tồn tại và cạnh tranh khi hội nhập là gì?

- Về khâu trồng, cần có “cuộc cách mạng” về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của ĐBSCL (nắng nhiều, phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào) nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa năng suất mía đạt bình quân bằng hoặc trên 100 tấn/ha và CCS bình quân đạt bằng hoặc trên 12 CCS.

Tiếp tục hoàn chỉnh đê bao chống lũ và các giải pháp bơm tát đối với các vùng đất thấp để tránh phải  thu hoạch mía non khi có lũ về và sản xuất mía lưu gốc.

Các công ty cần phối hợp với ngành chức năng địa phương từng bước nghiên cứu chế tạo các máy móc phục vụ trong điều kiện nền đất yếu của ĐBSCL. Hình thành các cánh đồng mía lớn. Doanh nghiệp nên lựa chọn những khu vực trồng mía phù hợp để đầu tư trực tiếp cho nông dân, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, chủ động về công tác giống, kỹ thuật canh tác. Có chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc bán mía trực tiếp cho nhà máy.

Nhằm giảm giá thành chế biến đường, các công ty cần đổi mới các thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao điện. Xây dựng bộ máy nhân sự gọn nhẹ. Tìm cách giảm các chi phí bán hàng, chi phí trung gian không cần thiết để sản phẩm đường đến người tiêu dung với giá cả cạnh tranh nhất. Đối với những vùng trồng mía không hiệu quả không thể cải thiện được thì mạnh dạn bỏ mía để chuyển sang các loại cây khác.


Còn với người trồng mía, cần làm gì để họ sống được với nghề?

- Sự buông lỏng trong công tác quản lý thị trường, lưu thông, đặc biệt là việc chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với đường trong thời gian qua kém hiệu quả đã  làm cho ngành mía đường và nông dân trồng mía thêm lao đao.

Để ngành mía đường có thể tồn tại được trong thời kỳ hội nhập thì điều tiên quyết là nông dân trồng mía phải cạnh tranh được và sống được với cây mía. Điều này đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của chính người dân, phía công ty thì rất cần sự ra tay của các cấp từ địa phương đến T.Ư để làm sao giúp nông dân giảm được giá thành sản xuất mía và đồng thời phải tạo được sân chơi thương mại công bằng, minh bạch.

Xin cảm ơn ông!


Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang: Cần thực hiện chương trình bình ổn giá

Tới đây, phía sở sẽ có những kiến nghị đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những giải pháp tháo gỡ tình hình đường tồn kho của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mía đường trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời kiến nghị các bên có liên quan lên tiếng với Bộ Công Thương thực hiện chương trình bình ổn giá đối với mặt hàng đường để doanh nghiệp không gặp áp lực về giá bán khi vào vụ ép. Riêng phía doanh nghiệp nên tính toán lại mức giá bán sao cho hấp dẫn.

Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng: Không có chủ trương “cứng” giữ diện tích mía

Sóc Trăng chỉ còn khoảng 5.000ha mía, tập trung chủ yếu ở huyện Cù Lao Dung. Hiện nay, tỉnh không có chủ trương cứng giữ diện tích mía vì nó ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế rất lớn của nông dân.

Theo đó, diện tích này sẽ còn giảm trong thời gian tới do người dân chuyển sang mô hình kinh tế khác (theo quy hoạch) như: Nuôi thủy sản, trồng cỏ nuôi bò, trồng màu, trồng cây ăn trái... Nếu doanh nghiệp, nhà máy nào muốn có vùng nguyên liệu để sản xuất thì phải đầu tư cho nông dân, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Chúc Ly (Dân Việt)