Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Thời gian gần đây, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được nhắc đến nhiều tại Việt Nam, là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự kết hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, CNTT, công nghệ sinh học, khí tượng, chế biến, bảo quản...

Việc ứng dụng công nghệ cao tại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã đem lại hiệu quả về chất lượng sản phẩm, tăng năng suất cũng như khả năng cạnh tranh ngay trong nước và xuất khẩu.

Trao đổi tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2017) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng nhận định Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Ông Phạm S đưa ra ví dụ đối với năng suất cà chua tại Việt Nam. Hiện nay trên mỗi hecta trung bình thu hoạch vào khoảng 45 tấn mỗi năm, nhưng nếu được ứng dụng công nghệ cao thì có thể lên tới 200 tấn. Như vậy, mỗi hecta ứng dụng công nghệ cao cho năng suất gấp 3-4 lần so với truyền thống, đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.

Trao đổi thêm, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã có quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ (nhằm kêu gọi các ngân hàng dành dự toán 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn).

Và chỉ tính đến tháng 7/2017, theo Ngân hàng Nhà nước, đã có 27,7 nghìn tỷ đồng được giải ngân cho các khoản vay phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Đây là nguồn động viên rất lớn, kịp thời đối với các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, thực tế hiện nay diện tích ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam trong nông nghiệp vẫn còn quá thấp. Và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam hiện đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không vào cuộc chủ động ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, tăng chất lượng cạnh tranh, để nông sản các nước tràn vào thì có thể đánh mất thị trường ngay trên sân nhà.

Trao đổi thêm, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh để phát triển hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao, thực tế rất cần doanh nghiệp, chính phủ có những hành động rất cụ thể, quyết liệt hơn nữa để tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp nhảy vào đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thì cơ chế chính sách phải thay đổi để thực sự tạo ra động lực chứ không phải chỉ là chuyện “cơi nới”.

Trồng cà chua đen công nghệ cao tại Lâm Đồng. (Ảnh Internet).

Theo các chuyên gia, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong Chỉ thị 6524 đưa ra trong tháng 8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất kinh doanh… sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới của toàn ngành nông nghiệp là phải xác định các công nghệ mà ngành nông nghiệp cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các điều kiện quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng giảm thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch.

Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển nông nghiệp thông minh. Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp đầu vào về lao động nông nghiệp chất lượng cao cho các doanh nghiệp…

Nguyên Đức (ICTNews.vn)