Với chủ trương tập trung phát triển mạnh ngành phân bón để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đến thời điểm này, sản xuất phân bón vô cơ đã không ngừng tăng trưởng, chủ động nguồn cung cho thị trường nội địa.
Nhập khẩu phân bón giảm
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2014, sản lượng phân đạm urê đạt 2.010,6 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 2.255,5 nghìn tấn tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân urê 11 tháng đầu năm đạt 506,7 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013, sản lượng phân NPK đạt 1.684,6 nghìn tấn, tăng 0,2%, sản lượng phân DAP đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 25,8%.
Cũng từ đầu năm đến nay, NK phân bón giảm mạnh, theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11, cả nước đã NK hơn 3,44 triệu tấn phân bón các loại, với tổng giá trị kim ngạch hơn 1,12 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013 (cùng kỳ nhập gần 4,07 triệu tấn, trị giá trên 1,5 tỷ USD).
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - khẳng định, hiện nay, ngành phân bón đã chủ động được nguồn cung mặt hàng urê, một mặt hàng có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường phân bón thời gian qua, giúp giảm mạnh phụ thuộc vào nguồn hàng NK. Điều này đã góp phần giúp cho các chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối trong nước và điều tiết cân đối cung - cầu hiệu quả, hợp lý.
Nguồn cung chủ động giúp lành mạnh hóa thị trường phân bón nội
Thời gian tới, NK phân bón sẽ còn giảm khi Thông tư 35/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương đã có hiệu lực từ ngày 1/12/2014. Theo đó, thông tư bắt buộc thương nhân NK phân bón phải thực hiện chế độ cấp giấy phép NK tự động đối với một số mặt hàng phân bón như phân urê, phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa 3 nguyên tố cấu thành là nitơ, phốt pho và kali.
Bà Dương Phương Thảo- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cũng cho biết, Trung Quốc đang giảm thuế xuất khẩu phân bón vào Việt Nam nên giá phân bón NK đang ở mức rất cạnh tranh so với các loại phân bón được sản xuất trong nước. Bà Thảo cũng lý giải, thực tế cho thấy, phân bón NK từ Trung Quốc cũng lại chính là 2 loại phân bón chúng ta đã đáp ứng đủ là urê và NPK.
Chủ động nguồn cung trong dài hạn
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng, riêng với phân urê, hiện tại sản xuất trong nước đã đủ. Phân bón NPK cũng đáp ứng thị trường và còn hướng tới xuất khẩu. Trên thực tế, nước ta chỉ cần NK một số loại phân bón như SA và Kali để bảo đảm thị trường trong nước.
Thời gian tới, để tập trung tăng cường nguồn cung trong dài hạn, góp phần ổn định thị trường, theo ông Nguyễn Văn Thanh, đối với các loại phân bón DAP, NPK, kali đang tiếp tục được đầu tư nhằm tăng dần về sản lượng cũng như chất lượng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với thị trường phân bón DAP, sắp tới, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai của Tập đoàn Hóa chất có sản phẩm thương mại với dự báo lượng cung cấp ra thị trường và đáp ứng 70% nhu cầu.
Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất cũng đang triển khai dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào với công suất 320 nghìn tấn phân kali/năm, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, nâng công suất lên 700 nghìn tấn/năm. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón kali trong nước.
(Theo baocongthuong.com)