Nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng tăng
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mới đây cho biết, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong nửa đầu năm 2017 ước đạt 495 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặt hàng phân bón nhập khẩu trong thời gian này là 2,34 triệu tấn, đạt 628 triệu USD, tăng gần 24% về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, nguồn nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm/2017, cứ 1 triệu USD phía Việt Nam bỏ ra để mua phân bón thì có 363.000 USD trả cho phía doanh nghiệp sản xuất phân bón của Trung Quốc (chiếm 36,3% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này).
Nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc tăng vọt
Tương tự đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Dù Việt Nam nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức tuy nhiên Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất.
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, số lượng thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm 2017 Việt Nam nhập từ Trung Quốc chiếm tới 55% tổng giá trị nhập khẩu.
Hồi tháng 2 năm nay, công bố từ Tổng cục Hải quan cũng khiến nhiều người giật mình về số lượng hóa chất Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc về mỗi năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất là 1,8 tỷ USD, riêng hóa chất nhập để điều chế các hợp chất khác đạt 1,02 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên Việt Nam chi nhập khẩu nguyên liệu hoá chất đạt kim ngạch hơn 1,02 tỷ USD.
Về tổng kim ngạch nhập khẩu, trung bình mỗi ngày Việt Nam phải bỏ ra hơn 112 tỷ đồng để nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.
Điều đáng nói, nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc, còn các nước có ngành công nghiệp hoá chất phát triển như Ấn Độ, Mỹ, Canada, Israel hay Nhật Bản, Hàn Quốc...về Việt Nam trong năm qua rất ít.
Nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc
Lý giải tình trạng Việt Nam phải nhập khẩu nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đưa ra 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do nhu cầu của Việt Nam lớn nhưng chúng ta chưa có khả năng sản xuất.
Thứ hai, khi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều tính đến hiệu quả và chi phí sản xuất. Những quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển như: Ấn Độ, Mỹ hay Canada thì giá thành đắt đỏ hơn. Trong khi Trung Quốc là quốc gia gần Việt Nam nên khi nhập hóa chất về chi phí, giá cả sẽ rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều lợi nhuận.
Nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc nếu Việt Nam tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu từ quốc gia này.
Cuối cùng, đó là Việt Nam cũng như một số quốc gia láng giềng xung quanh Trung Quốc thường tìm cách nhập qua con đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch để trốn thuế, tạo ra nhiều lợi thế hơn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam nhập quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất từ Trung Quốc.
Theo ông Đoàn, từ những số liệu thống kê có thể thấy Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc và đang đứng trước nguy cơ lệ thuộc vào quốc gia này.
“Điều này hết sức hệ trọng. Nếu bị chi phối thì chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay tôi cũng không nắm được các thông số hóa chất của họ là thô hay là gì và có tác hại đối với môi trường như thế nào. Nếu thế giới đang khổ về Trung Quốc thì tôi cho rằng Việt Nam là quốc gia khổ nhất vì chúng ta nhập những nguyên liệu kém và bẩn của nước bạn. Nếu tiếp tục kéo dài thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa những thành phẩm kém chất lượng, nhất là hóa chất của quốc gia này”, PGS.TS Đoàn nhấn mạnh.
Ông Đoàn cảnh báo, nếu Việt Nam tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị tụt hậu. Cùng với đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.
Từ vấn đề trên, vị chuyên gia đề nghị xem xét lại vai trò của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong việc nhập khẩu cũng như vận hành các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất.
Ông Đoàn khẳng định Vinachem hiện nay đang nắm vai trò chủ đạo trong việc phân phối mặt hàng này.
Tuy nhiên, do hoạt động và quản lý của Vinachem kém hiệu quả, chưa có chiến lược phù hợp phát triển ngành hóa chất. Bằng chứng là những dự án thuộc quyền quản lý của Vinachem như: đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai đều đang nằm trong danh sách các công trình thua lỗ ngàn tỷ, chưa tìm được hướng giải quyết.
Hoàng Hà