Thu hoạch mua tạm trữ lúa ở tỉnh An Giang. Ảnh: NGỌC TRINH

nguồn Báo Nhân Dân - Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch hơn một tỷ USD một năm nhưng không ai khác, người nông dân luôn phải đối mặt nỗi lo thường trực về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm.

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 80/2002/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhằm mở cơ hội tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng hơn 10 năm qua, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Nỗi lo của nhà nông

Tại đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa đông xuân đã qua nhưng lượng lúa gạo tồn đọng trong dân và doanh nghiệp vẫn còn khá lớn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), con số tồn đọng hiện lên tới gần hai triệu tấn gạo. Giờ đây, khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo lại nhen lên khi vụ hè thu đã bắt đầu cho thu hoạch trên những trà xuống giống sớm. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuyền ở ấp Kinh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang cũng như nhiều hộ dân trong vùng đang lo lắng cho sản lượng lúa sắp thu hoạch. Anh cho biết: Vào thời điểm này mọi năm, khi những trà lúa hè - thu cho thu hoạch sớm, người dân phấn khởi vì giá lúa thường ở mức cao, thương lái tranh nhau mua, nhưng năm nay không khí quá vắng vẻ. Mặt khác, giá lúa cũng liên tục xuống thấp, hiện lúa hạt thường chỉ vào khoảng 4.200 đến 4.300 đồng/kg. Ðiều lo ngại nhất là chi phí đầu tư cho sản xuất lúa hè thu khá lớn, giá cả thấp, thêm tình trạng ứ đọng như hiện nay thì nông dân cầm chắc thua lỗ.Không chỉ lúa gạo, sản xuất thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt vô vàn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng chủ lực cá tra. Liên hệ với anh Phan Thành Mãi (phường An Hòa, thị xã Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp), anh cho biết: Giá cá tra hiện xuống thấp hơn giá thành. Nhà nào nuôi giỏi giờ cũng phải chấp nhận mức chi phí khoảng 23 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán ra chỉ 21 nghìn đồng/kg, người dân chịu lỗ 2 nghìn đồng/kg. Lỗ là vậy nhưng tiêu thụ cũng đâu dễ dàng, doanh nghiệp lúc mua, lúc không, thu hồi vốn thì chậm vì thường doanh nghiệp nợ tiền cá ít nhất 30 ngày. Vậy tại sao không chờ giá cá tăng rồi mới bán? Anh cho hay: Không chờ được đâu vì để cá trong ao thì lấy đâu tiền mua thức ăn, vả lại không biết nay mai giá có tăng lên không hay còn thua lỗ hơn... Anh Mãi là một trong rất nhiều hộ cá thể nuôi cá tra tại tỉnh Ðồng Tháp. Gia đình có 10 ha nuôi cá tra và năm nào cũng phải vật lộn với khâu tiêu thụ mà theo anh thì "lời lãi chả thấy đâu". Khi được hỏi, tại sao anh không tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, anh chia sẻ: Việc ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp cũng không khó, nhưng cái khó là việc tuân thủ hợp đồng lại không như mong muốn. Nhất là với mặt hàng cá tra, giá cả lên xuống thất thường. Giá xuống doanh nghiệp mới thu mua, còn giá lên họ cứ để đó. Mà khi để đó thì mình lấy đâu tiền mua thức ăn duy trì ao nuôi. Hợp đồng ký rồi lại không dám bán cho đối tác khác, lại đành phải kêu họ đến bán giá thấp. Vì thế mà chúng tôi đành "tự lập", chủ động bán theo từng thời điểm theo kiểu "năm ăn năm thua".

Không chỉ lúa gạo, sản xuất thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt vô vàn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng chủ lực cá tra. Liên hệ với anh Phan Thành Mãi (phường An Hòa, thị xã Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp), anh cho biết: Giá cá tra hiện xuống thấp hơn giá thành. Nhà nào nuôi giỏi giờ cũng phải chấp nhận mức chi phí khoảng 23 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán ra chỉ 21 nghìn đồng/kg, người dân chịu lỗ 2 nghìn đồng/kg. Lỗ là vậy nhưng tiêu thụ cũng đâu dễ dàng, doanh nghiệp lúc mua, lúc không, thu hồi vốn thì chậm vì thường doanh nghiệp nợ tiền cá ít nhất 30 ngày. Vậy tại sao không chờ giá cá tăng rồi mới bán? Anh cho hay: Không chờ được đâu vì để cá trong ao thì lấy đâu tiền mua thức ăn, vả lại không biết nay mai giá có tăng lên không hay còn thua lỗ hơn... Anh Mãi là một trong rất nhiều hộ cá thể nuôi cá tra tại tỉnh Ðồng Tháp. Gia đình có 10 ha nuôi cá tra và năm nào cũng phải vật lộn với khâu tiêu thụ mà theo anh thì "lời lãi chả thấy đâu". Khi được hỏi, tại sao anh không tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, anh chia sẻ: Việc ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp cũng không khó, nhưng cái khó là việc tuân thủ hợp đồng lại không như mong muốn. Nhất là với mặt hàng cá tra, giá cả lên xuống thất thường. Giá xuống doanh nghiệp mới thu mua, còn giá lên họ cứ để đó. Mà khi để đó thì mình lấy đâu tiền mua thức ăn duy trì ao nuôi. Hợp đồng ký rồi lại không dám bán cho đối tác khác, lại đành phải kêu họ đến bán giá thấp. Vì thế mà chúng tôi đành "tự lập", chủ động bán theo từng thời điểm theo kiểu "năm ăn năm thua".

Xuất khẩu gạo qua cảng Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: CHÍ QUỐC

Ðem câu chuyện của anh Mãi trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ðồng Tháp Lê Hoàng Vũ, anh cho biết: Những hộ nuôi nhỏ lẻ như anh Mãi chiếm khoảng 35% diện tích nuôi cá tra trong tỉnh. Hầu hết các hộ nuôi cá thể như vậy không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Còn giá cá tra xuống thấp dưới giá thành có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu, cho nên dẫn đến tình trạng giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh. Kéo theo đó là doanh nghiệp giảm giá thu mua cá nguyên liệu. Và người chịu thiệt cuối cùng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ là người nông dân. Mặc dù thực trạng này đã diễn ra trong thời gian khá dài nhưng chưa có cách nào giải quyết.

Cũng như cá tra, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng đối với lúa gạo vẫn là con số rất ít ỏi. Tại Cần Thơ, con số này chỉ là 10%. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua thông qua thương lái, cho nên không thể tránh khỏi việc nông dân bị ép giá. Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân? Trao đổi vấn đề này với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Thị Kiều, đồng chí cho biết: Khi doanh nghiệp đã đặt hàng, ký kết thu mua sản phẩm cho nông dân thì họ phải thực hiện các điều kiện như ứng trước giống, vật tư đầu vào, phân bón... để nông dân có cơ sở yên tâm là sản phẩm mình làm ra sẽ được bảo đảm tiêu thụ. Thế nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng bỏ ra các chi phí ban đầu đó. Một phần vì năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp có hạn, không đáp ứng được yêu cầu, mặt khác, họ sợ rủi ro, cho nên hầu hết chỉ khi ký được hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp mới quay lại thu gom sản phẩm từ thương lái. Ðây là cách làm truyền thống của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp thì chính điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp ngại đầu tư hệ thống nhà kho, bến bãi, nhà máy, vùng nguyên liệu, khiến lúa gạo của nông dân tiêu thụ chậm vì doanh nghiệp cũng không có điều kiện tạm trữ.

Cần có chính sách mới và linh hoạt

Ðầu ra của nông sản luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia sản xuất nông nghiệp. Nông sản không thể có đầu ra ổn định nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, trồng trọt. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Quyết định 80/2002/QÐ-TTg là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực thi, tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng trong cả nước chỉ đạt rất thấp. Ðáng chú ý, các mặt hàng chủ lực như lúa gạo chỉ đạt 2,12%, cà-phê 2,5%, chè 9%, thủy sản 13%. Theo mục tiêu đề ra đến năm 2020 có 80 đến 85% lượng mía đường, tôm, cá tra, cá basa; 15 đến 30% lượng chè, lúa, trái cây... được tiêu thụ qua hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ không dễ đạt được con số này nếu không có sự thay đổi trong cách thức thực hiện Quyết định 80 cũng như không bổ sung thêm những chính sách mới linh hoạt nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua hợp đồng.

Theo Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Bảnh, để đạt mục tiêu này, trước hết cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện hai đối tượng này chưa tìm được tiếng nói chung, cho nên việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm thực thi đúng, nghiêm túc hợp đồng còn khó thực hiện. Do vậy cần bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hợp đồng, nếu không sẽ khó giải quyết việc phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Về phía nông dân, cần được tập huấn kỹ về kỹ thuật, được hỗ trợ tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng. Ðồng thời tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thuận lợi và giúp họ tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Về phần mình, doanh nghiệp cần có cách làm chuyên nghiệp hơn và chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân, coi nông dân là một trong những đối tác quan trọng trong chuỗi hoạt động xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro, cho nên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp có tâm và có tiềm lực tài chính. Cụ thể là, có thể hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí xây dựng hạ tầng cơ bản như: trục chính giao thông nội đồng, hệ thống tưới, hệ thống điện, hệ thống xử lý môi trường khi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu hoặc cơ sở chế biến. Về chính sách vay vốn cũng cần có sự linh hoạt, bởi nếu áp dụng chính sách bình đẳng thì khó có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những yêu cầu và mong muốn đó vượt quá tầm giải quyết của địa phương hoặc một vùng kinh tế, do đó Nhà nước và các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu và ban hành chính sách mới phù hợp, kịp thời. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân bắt tay nhau chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là đem lại giá trị đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

* Tại Ðồng Tháp, hình thức trồng lúa theo hợp đồng đang ngày càng được nhân rộng. Hiện đã có 22 nghìn ha, chiếm hơn 10% diện tích lúa của tỉnh được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao. UBND tỉnh đã có hai văn bản chuyên biệt chỉ đạo chính quyền địa phương làm "trọng tài" để bảo đảm hiệu quả của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã thành lập ban điều hành dự án tiêu thụ nông sản, có nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng, đứng ra hòa giải, đề xuất xử lý các vi phạm hợp đồng (nếu có). Tỉnh cũng đang có kế hoạch thành lập thí điểm ngân hàng lúa gạo. Theo đó, khi có hợp đồng tiêu thụ, đến mùa thu hoạch, nông dân giao lúa cho doanh nghiệp mà không cần bán ngay nếu thấy giá thấp. Doanh nghiệp ra phiếu thu và nông dân có thể dùng phiếu thu đó thế chấp vay tiền ngân hàng. Khi thấy giá lúa thuận lợi, nông dân đặt lệnh bán thì doanh nghiệp trả tiền cho nông dân qua ngân hàng. Lúc đó ngân hàng sẽ trả lại tiền cho người dân theo phiếu thu đã giữ. Phần doanh nghiệp, sau khi nhận lúa của nông dân thì được toàn quyền tạm trữ hay bán đi mà không cần đợi ý kiến của nông dân.

ÁNH TUYẾT