Ông Phan Ngọc Văn luôn canh cánh nỗi lo về vấn đề nông dược
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trên thị trường đang lưu thông trên 1.800 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); hơn 1.400 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 700 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ, cùng nhiều thuốc trừ ốc, thuốc xử lý hạt giống, thuốc điều hòa sinh trưởng, dẫn dụ côn trùng,... Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh cũng đã có hơn 2.600 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón.
Trồng hơn 2.000m2 xoài cát chu, ông Phan Ngọc Văn ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh cho biết, chuẩn bị cho vụ mùa mới, ông luôn canh cánh nỗi lo về vấn đề nông dược. “Nông dược như một ma trận”, người nông dân chỉ biết mua theo “lời nói có cánh” của chủ cơ sở kinh doanh.
Mặt khác, đa phần nông dân đều mua vật tư nông nghiệp theo kiểu “thiếu chịu” tại các đại lý bán lẻ, đến khi thu hoạch thì thanh toán cả mùa. Vì lý do đó, nên người nông dân không có quyền lựa chọn phân, thuốc theo ý muốn.
Đã từng mua phải phân giả, ông Nguyễn Văn Buôl ở huyện Cao Lãnh chia sẻ, nếu chỉ bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được đâu là phân bón giả, phân kém chất lượng. Ông kể, trồng 1ha lúa, mua phân NPK để bón thúc cho cây lúa, nhưng bón xong thấy cây lúa không phát triển. Lấy lượng phân còn dư hòa với nước để tưới gốc mai quanh nhà, sau khi ngâm 10 - 15 phút, thấy phân bón đó không hòa tan được và bị vón cục. Đến lúc này, mới nghi là phân bón giả.
Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh nói: Có một số doanh nghiệp lợi dụng sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, hạn chế của người nông dân trong trình độ nhận biết, phân biệt phân, thuốc nên dễ rơi vào trường hợp bị các đại lý chen lẫn thuốc kém chất lượng với hàng hóa uy tín. Trong khi đó, trên thị trường lưu thông loại hàng hóa này, không có phương tiện máy đo dân dụng để người sử dụng kiểm tra ngay chất lượng sản phẩm.
Ông Hà Bửu Khánh – Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết, ước tính, phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỷ USD/năm. Chiếm đến 80% số vụ phân bón giả, kém chất lượng tập trung ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang... Tại tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2017 và 6 tháng đầu 2018, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 209 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón, trong 197 mẫu phát hiện 28 mẫu không đạt chất lượng, 4 mẫu phân bón giả không có giá trị sử dụng (16,24%), xử lý, phạt tiền 46 vụ với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Về thuốc BVTV, đã kiểm tra 67 vụ, qua kiểm tra lấy 89 mẫu, trong đó có 12 mẫu không đạt (6,85%); 1 mẫu thuốc BVTV giả; phạt tiền 17 vụ, với tổng số hơn 200 triệu đồng,...
Ông Khánh cho biết thêm, do lợi nhuận cao nên có nhiều cơ sở bất chấp đạo đức để kiếm lời, đặc biệt hiện tượng này xuất hiện rất nhiều mỗi khi giá phân bón tăng cao, thị trường có những cơn sốt nóng. Đồng thời, phân bón là loại hàng hóa dễ làm giả nhất vì chỉ cần các công cụ như cuốc xẻng, máy trộn bê tông,... cùng các thành phần đất pha bột gạch, bột đá,... Không những thế, đáng lo ngại nhất hiện nay lại là “hàng thật nhưng chất lượng thấp”, bởi hàng giả do pha trộn vẫn có thể còn 50% là hàng thật, còn hàng thật kém chất lượng thì các chỉ số hàm lượng chỉ bằng 1/10 so với ghi trên vỏ bao.
Theo ông Khánh, vật tư nông nghiệp giả - gian - kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng, đến kinh tế nhà nông, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường và sức khỏe người dân. Nguyên nhân là do, trong hàng hóa nông dược giả phân bón chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người như các kim loại nặng hoặc các vi sinh vật gây hại, các chất kích thích sinh trưởng,... Song song đó, chính các hành vi gian dối này đã làm rối loạn thị trường vật tư nông nghiệp, thiệt hại đến thương hiệu, uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.
Từ chính các thực trạng “ma trận” của loại hàng hóa này, cho nên thời gian tới, câu chuyện quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là vấn đề sẽ được quan tâm hơn hết, công tác kiểm tra, xử lí các trường hợp vi phạm sẽ được tăng cường, siết chặt. Làm sao để nông dân nhận biết các loại vật tư nông nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hoặc phát hiện hàng hóa kém chất lượng. Quan trọng là, cần vận động nông dân liên kết với nhau trong sản xuất để kết nối doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp có uy tín, hạ giá thành sản phẩm khi không qua các đầu mối trung gian. Đây cũng là cách hạn chế rủi ro cho nông dân trong sản xuất để phát triển bền vững ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Theo Chương Đài (Báo Đồng Tháp)