KTNT - Cứ mùa mưa đến, Tây Nguyên lại xuất hiện tình trạng rụng quả non trên cây càphê. Điều này không chỉ gây tâm lý lo lắng cho nông dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, năng suất cà phê.
Hiện tượng rụng quả non có thể ảnh hướng đến năng suất, sản lượng cà phê liên vụ tới.
Theo các chuyên gia, thời gian qua ở Tây Nguyên, mưa kéo dài nhiều ngày, độ ẩm cao nên các loại nấm xuất hiện nhiều, cộng với chế độ bón phân không hợp lý khiến quả càphê non bị rụng với số lượng đáng kể.
Tình trạng càphê rụng trái xảy ra khá phổ biến trên nhiều vườn càphê ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai… khiến nhiều nông dân lo lắng sản lượng càphê niên vụ tới sẽ sụt giảm. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về diện tích càphê Tây Nguyên bị rụng quả nhưng theo phản ánh của nhiều nhà vườn, mức độ rụng trái có vẻ nhiều hơn so với những năm trước.
Tại Đắk Lắk, theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều vườn càphê của các hộ dân, giữa những chùm trái xanh còn sót lại là những vết cuống thâm đen, dấu vết của hiện tượng rụng trái để lại. Nhiều cây, quả đã rụng hết chỉ còn trơ lại cành và lá, tỷ lệ rụng trái lên đến 10-15%. Ông Bùi Thanh Lê (thị trấn Quảng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) chia sẻ: “Nhà tôi có 5 sào càphê đang thời kỳ trái non nhưng khoảng 20 ngày trở lại đây thì xuất hiện hiện tượng rụng trái, mỗi khi có mưa rào là trái rụng rất nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài thì sản lượng chẳng còn được bao nhiêu. Tôi đã mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về xịt mà cũng chẳng ăn thua”.
Không chỉ ở huyện Cư M’gar mà nhiều diện tích càphê ở các huyện khác trong tỉnh Đắk Lắk như Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng, Krông Păc,… cũng xuất hiện tình trạng rụng quả, nhiều vườn bị rụng trên 30%. Bà Nguyễn Thị Thời (xã Ea Buool, huyện Buôn Đôn) cho hay: “Thời gian qua, do mưa kéo dài, độ ẩm cao nên nấm phát triển làm cho càphê rụng trái hàng loạt. Quan sát, tôi thấy ở cuống trái thì đen dần, sau đó có màng trắng bao phủ, từng chùm trái bị thối và rụng hàng loạt… Năm nay càphê Tây Nguyên lại chịu cảnh mất mùa”.
Tại Đắk Nông, ở những vùng chuyên canh càphê lớn như: Cư Jut, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô..., tỷ lệ rụng quả lên đến 15-20%, thậm chí có nhiều nơi lên đến 30%. Theo một số hộ dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, sau đó mưa liên tục gây thối cuống rồi rụng trái.
Tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), thời gian qua cũng có khoảng 1.000ha càphê bị hiện tượng rụng quả, trong đó có hàng trăm hecta bị nhiễm rệp sáp…
Để giảm tình trạng rụng quả trong mùa mưa, theo ông Nguyễn Xuân Thành (xã Ea Tân, huyện Krông Năng): “Ở Tây Nguyên, khi mùa mưa đến, cây càphê thường xuất hiện hiện tượng rụng quả non. Nguyên nhân là do nông dân bón phân không đầy đủ, không cân đối và do một số loại sâu bệnh gây ra. Để hạn chế tình trạng trên, tôi thường tăng cường bón phân và bổ sung dinh dưỡng kịp thời, đầy đủ, đặt biệt là trong giai đoạn quả hình thành và phát triển nhằm hạn chế tỷ lệ rụng quả, tăng năng suất, chất lượng cho cây càphê”.
Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến càphê rụng quả, có thể do quy trình sinh lý (nhiều quả quá trong chùm quả, buộc phải rụng bớt), rụng quả do sâu bệnh hoặc do thiếu dinh dưỡng. Qua khảo sát tại các vườn càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân rụng quả chủ yếu do thiếu chất dinh dưỡng, bón phân không cân đối. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng cây càphê bị rụng trái là do thời kỳ cây ra hoa gặp nắng hạn kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối tháng 6. Đây là điều kiện thuận lợi để rệp sáp phát triển. Tuy nhiên, đến thời kỳ đậu trái thì càphê tiếp tục gặp mưa khiến quả non bị nhiễm nấm đen ở cuống và rụng.
Do vậy, để hạn chế hiện tượng rụng trái, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều tiết ánh sáng cho phù hợp với tình trạng sinh lý của cây, để cây vừa nuôi quả tốt, vừa tạo đầy đủ bộ khung cành khỏe mạnh cho năm tiếp theo.
Trí Tín (theo http://www.kinhtenongthon.com.vn)