Trong vai khách du lịch đi chợ vào sáng sớm, tôi góp nhặt được những câu chuyện hay, những hành trình thú vị của các loại rau rừng để trở thành rau đặc sản đang được đầu tư phát triển trên mảnh đất vùng cao Lâm Bình. Màu xanh của các loại rau bò khai, rau ngót rừng, rau giảo cổ lam là màu xanh của hy vọng, của khát khao được vươn mình ra “biển lớn”…
Đặc sản của núi rừng
Người dân nơi đây chắc chẳng bao giờ nghĩ những loại rau hoang dại mọc trên rừng, núi ngày xưa như: Rau bò khai, rau giảo cổ lam, rau ngót rừng…nay đã trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích. Đến thăm vườn rau bò khai của gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình), qua câu chuyện, trong mắt ông Chỉ ánh lên sự hy vọng. Ông tâm sự: “Xưa nghèo khổ, thiếu thốn, những buổi lên rừng bác thường tranh thủ hái ít rau về làm thực phẩm phục vụ bữa ăn của gia đình. Ngày đó, bác cũng không nghĩ tới việc mang giống về nhà trồng.
Cán bộ TTGD nghề nghiệp - GD thường xuyên huyện Lâm Bình kiểm tra quá trình phát triển của cây rau bò khai ươm giống.
Vài năm trở lại đây, do tuổi cao, không thường xuyên đi rừng, bác đã mang các loại cây trên rừng về nhân giống, trồng tại vườn nhà. Ngoài việc phục vụ nhu cầu gia đình, bác đem bán cho các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch trên địa bàn xã. Ấy thế mà được nhiều người yêu thích, rau nhiều khi không đủ cung cấp cho các mối…”.
Mỗi loại rau của núi rừng đều mang đặc tính khác nhau, nếu rau giảo cổ lam làm cho nhiều thực khách phải “rùng mình” vì vị đắng của nó thì rau ngót rừng để lại sự thanh mát cho người thưởng thức. Nhưng tôi lại thực sự ấn tượng với rau bò khai. Đúng như tên gọi, rau bò khai khi mới hái có mùi khai, ngai ngái vì vậy khi chế biến thường được vò qua và rửa nhiều lần bằng nước để khử bớt mùi.
Rau bò khai thường được dùng để chế biến các món: Bò khai xào tỏi, bò khai xào mỳ, luộc hoặc nấu canh… Với cách chế biến đơn giản, món ăn từ rau bò khai được nhiều người yêu thích bởi hương vị nồng đượm như tình cảm của người dân bản địa.
Để có được khu vườn với hơn 400 gốc bò khai như hiện nay, đối với ông Chỉ không đơn thuần là việc mang giống từ trên rừng về trồng. Ông kể, cây bò khai cũng “đỏng đảnh” lắm, cây phát triển tốt nhất là khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, khi trời có mưa nhiều. Lúc mới mang giống từ trên rừng về, do thay đổi môi trường, cây bắt đầu xuất hiện sâu bệnh, chỉ một, hai đêm, lũ sâu đã tấn công hết những lá non. Thấy ông suy nghĩ nhiều, con trai ông đã mua thuốc trừ sâu về định phun nhưng ông nhất quyết không chịu.
Theo ông, cây của rừng phải hoàn toàn sạch. “Cái khó ló cái khôn”, ông Chỉ nghĩ ra cách ngâm tỏi, ớt với nước để tưới cho cây. Thật kỳ diệu, hỗn hợp đó đã loại trừ được sâu bệnh, cây đơm chồi, vươn dài, xanh mướt… Gia đình ông Chỉ là 1 trong 46 hộ của xã Lăng Can tham gia vào Đề án phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện. Hiện tại, ngoài việc duy trì hơn 400 gốc bò khai, ông Chỉ còn mở rộng trồng thêm rau ngót rừng, rau giảo cổ lam theo đề án.
Rau rừng mở đường “xuống phố”
Thực hiện Nghị quyết số 34a-NQ/HU ngày 29-07-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện Lâm Bình đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và giải quyết việc làm tại địa phương.
Người dân thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang (Lâm Bình) thu hoạch rau giảo cổ lam.
Để hiện thực hóa Nghị quyết, các ngành chức năng của huyện đã triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể. Anh Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, sau khi lấy cây giống ở một số địa phương khác, kết quả không được như mong muốn, cán bộ trung tâm đã liên hệ với bà con đi rừng đặt họ mang cây từ trên rừng về.
Trung tâm đã thu mua lại và tiến hành ươm giống rau bò khai, rau giảo cổ lam và rau ngót rừng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây tại xã Xuân Lập nhằm bổ sung kiến thức cho người dân tham gia vào Đề án. Cây được ươm từ giống lấy trên rừng về đã được giao đến tay bà con và đang phát triển tốt.
Toàn huyện Lâm Bình hiện có 93 hộ trồng 8,35 ha rau bò khai, 16 hộ trồng 1,72 ha rau ngót rừng, 19 hộ trồng 3,13 ha rau giảo cổ lam tập trung tại các xã Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm. Ngoài việc đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây, huyện còn tập trung nguồn lực hỗ trợ vốn cho các xã nằm trong đề án.
Năm 2018, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ triển khai thực hiện đề án trồng cây bò khai lồng ghép nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với số vốn đầu tư 560 triệu đồng cho 5 xã gồm: Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Hồng Quang. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 30 ha trồng các loại rau bò khai, rau ngót rừng và rau giảo cổ lam.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, hiện nay huyện đang tập trung quảng bá hình ảnh của huyện nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Vì thế, để du khách nhớ đến Lâm Bình cần tạo được dấu ấn và nét đặc sắc riêng. Ẩm thực sẽ là một lợi thế.
Thời gian tới, để các loại rau là thế mạnh của địa phương đến được với nhiều người ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, huyện sẽ tập trung vào xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tìm các phương pháp bảo quản sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các hộ thực hiện đề án tạo cơ hội cho khách du lịch được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, chế biến các loại rau. Đây cũng sẽ là điểm nhấn thú vị thu hút du khách.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, hy vọng trong một tương lai không xa, ngoài những hình ảnh thân quen như thác Khuổi Nhi, Cọc Vài… thì các loại rau rừng cũng sẽ trở thành nét đặc trưng để du khách luôn nhớ đến Lâm Bình.
Theo Thu Trang (Báo Tuyên Quang)