(PLO) - Ngành Nông nghiệp đã khép lại quý đầu tiên của năm 2017 với mức tăng trưởng tốt khi tất cả các lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.



Sụt giảm 330 ngàn tấn lúa

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT chiều qua (4/4), Bộ NN&PTNT cho biết tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong quý I/2017 ước tăng 2,03%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 1,38%, lâm nghiệp tăng 4,94%, thủy sản tăng 3,5%. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, mức tăng trưởng này dù chưa đạt được so với mục tiêu mà Chính phủ giao (tăng 2,8%) nhưng trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường trong những tháng đầu năm tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, thì đạt được đà tăng trưởng như vậy cũng được cho là tốt.  

Ngành trồng trọt được cho là gặp khó khăn nhiều nhất trong quý đầu tiên của năm 2017. 3 tháng đầu năm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp: mưa dứt trễ ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam bộ; nắng nóng ở miền Bắc, khiến sản lượng lúa sụt giảm đã kéo ngành trồng trọt tăng trưởng âm (-0,39%).  

Đáng chú ý, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khiến cho vụ lúa mùa của ĐBSCL giảm diện tích tới 55 nghìn ha, vụ Đông Xuân ở miền Bắc cũng giảm tới 17 nghìn ha, dẫn đến sản lượng lúa mùa và Đông Xuân quý I/2017 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016 hơn 330 nghìn tấn. 

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT dự báo, trong quý II/2017 nhiều khả năng trồng trọt sẽ có xu hướng tăng, do lúa ở miền Bắc phát triển tốt và diện tích còn lại ở ĐBSCL dự báo sẽ có năng suất cao hơn. 

Rau quả tiếp tục “ghi điểm”

Cũng theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản tháng 3 năm 2017 ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2017 đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Gia tăng mạnh nhất đó là ngành hàng cao su, tăng đến 90,6% về giá trị trong khi sản lượng chỉ tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, ngành hàng lúa gạo tiếp tục có sự sụt giảm mạnh cả về sản lượng cũng như giá trị. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2017 ước đạt 542.000 tấn với giá trị đạt 251 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều ngành hàng tiếp tục có sự gia tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị. “Đặc biệt XK rau quả  tiếp tục đạt được đà tăng trưởng mạnh, trong quý I tăng tới 23,1%. Chúng ta tin tưởng rằng cả năm sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn gạo”- Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.  

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, một tín hiệu tích cực trong năm nay là trong 2 tháng đầu năm số lượng nhập khẩu tất cả các mặt hàng thịt đều thấp hơn năm ngoái, ví dụ thịt lợn 2 tháng nhập khẩu 1.667 tấn, thấp hơn năm ngoái 25%; thịt gà nhập 14.970 tấn, thấp hơn năm ngoái 30%, thịt bò không xương 163 tấn, có xương 6.454 tấn, giảm hơn 25,2% so với năm ngoái. 

“Xu thế nhập khẩu thịt qua 3 năm gần đây càng ngày càng giảm xuống, chứng tỏ chăn nuôi ở trong nước đáp ứng điều kiện tương đối tốt” – ông Vân khẳng định. 

Tăng trưởng trong chăn nuôi được dự báo có thể đạt thấp hơn so với quý I/2017 do giá lợn, gà giảm nên đã ảnh hưởng đến việc tăng đàn. Trước tình hình như vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp, tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu sang thị trường các nước. Giao Cục Thú y tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất chế biến thịt gà xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường các nước. 

Phi Hùng