Mặc dù đã có nhiều quy định quản lý phân bón nhưng đến nay nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hoành hành, trong đó hầu hết tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo các chuyên gia, cẩn phải quản lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Không thể chỉ có vài cái cuốc, xẻng, lò…là có thể thành lập được cơ sở sản xuất phân bón được.
Quang cảnh Hội thảo quốc gia về phân bón - Ảnh: Thùy Dung
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị quốc gia về Quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững diễn ra sáng nay, 18-6, tại Hà Nội.
Tràn lan phân bón giả…
Theo ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho hay riêng trong năm 2013 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện và xử lý 1.483 vụ vi phạm tịch thu 813.881 kg, 11.830 gói và 1.665 chai phân bón các loại. Trong đó, phân bón giả, phân bón kém chất lượng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều nhất tại An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang chiếm 84,1% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.
Riêng quý I-2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 88 vụ vi phạm, tịch thu 88.642 kg và 153 lọ, chai phân bón giả kém chất lượng, quá hạn sử dụng, phân bón lậu…
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới nhà sản xuất chân chính mà nghiêm trọng hơn còn khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân mà các tính toán gần đây cho thấy, con số thiệt hại do phân bón giả kém chất lượng, sử dụng không hiệu quả phân bón có thể lên tới con số 2 tỉ đô la Mỹ/năm.
Việc thanh tra, kiểm soát phân bón giả cũng không hề đơn giản. Theo ông Đỗ Thanh Lam bằng mắt thường không thể phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng. Trong khi máy móc hỗ trợ nhận biết còn thiếu, chi phí mua mẫu kiểm tra cao trong khi lực lượng quản lý thị trường còn rất mỏng dẫn tới nhiều hạn chế, khó khăn.
Theo ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng giám đốc Công ty Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, để quản lý nạn phân bón giả cần có quy định cấp phép cho các cơ sở sản xuất phân bón với quy định rõ ràng, như phải có đầy đủ thiết bị, công nghệ, đội ngũ cán bộ công nhân, phòng thí nghiệm…Cần quản lý tận gốc những nơi sản xuất phân bón vì nếu họ đầu tư bài bản thì sẽ đưa ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
“Trước đây việc cấp phép quá đơn giản, nhiều nơi chỉ có quốc xẻng, lò chõ thôi là sản xuất được phân bón rồi” – ông Khuyến nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay hiện tại trong nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phân bón với hàng nghìn chủng loại sản phẩm khác nhau. Trong đó khoảng 10% doanh nghiệp có quy mô sản xuất tương đối lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại, hàng năm sản xuất khoảng 90% phân bón của cả nước. Khoảng 90% còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất đơn giản và sản xuất thủ công là chính.
“Cơ cấu này đạt sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng cũng làm đau đầu các nhà quản lý, làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp khác và làm thiệt hại lợi ích của nông dân khi mà rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón” – ông Tường nói.
Quá phụ thuộc phân bón Trung Quốc
Tại Hội thảo ông Nguyễn Gia Tường còn nêu một nghịch lý trong ngành sản xuất phân bón hiện nay là mặc dù đã đáp ứng được 100% nhu cầu về phân ure, phân lân chế biến, phân NPK nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam vẫn chịu tác động lớn và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đặc biệt là phân bón từ Trung Quốc.
“Hiện nay phân bón DAP cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với phân DAP nhập khẩu, đặc biệt theo đường tiểu ngạch với Trung Quốc. Hình thức nhập này rất khó kiểm soát về chất lượng và thuế nên tình trạng gian lận thương mại, trà trộn phân DAP chất lượng thấp cạnh tranh không bình đẳng với DAP sản xuất trong nước” – ông Tường nói.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1,31 triệu tấn, trị giá 405 triệu đô la Mỹ, giảm 14,9% về lượng và giảm 35,8% về giá trị so với năm 2013. Trong đó, nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới gần 50% kim ngạch nhập khẩu.
Ông Tường đề nghị nhà nước xây dựng và triển khai ngay các chính sách hạn chế nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón, đặc biệt là từ Trung Quốc như tạm dừng hoạt động nhập khẩu phân bón biên mậu; tăng thuế xuất nhập khẩu phân bón lên mức cao nhất theo cam kết thương mại ký giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời tăng các biện pháp quản lý thị trường phân bón trong nước đặc biệt đối với phân bón nhập khẩu.
Thùy Dung/ Thời báo kinh tế Sài Gòn