Nhiều đại lý mua máy trộn bê tông về để làm giả phân bón, tiêu thụ ngay trong hệ thống
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện đã có 6 văn bản về luật, nghị định của Quốc hội và Chính phủ, 8 thông tư của các bộ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả ngày càng phức tạp. Trên thị trường có gần phân nửa lượng phân bón là hàng giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính và nông dân.
Toàn đất và đá
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết người làm phân bón giả không cần nhà xưởng, thiết bị, chỉ cần vài cái cuốc, xẻng và “sang” một chút thì trang bị thêm máy trộn bê tông, nguyên liệu thì chỉ toàn đất nung. Những cơ sở này mọc lên như nấm, cho ra hàng loạt nhãn hiệu, chủng loại phân bón.
Chi cục QLTT TP HCM bắt giữ một vụ sản xuất phân bón kém chất lượng tại huyện Bình Chánh
Hiện có hàng trăm cơ sở như Công ty Hưng Thịnh, Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang… nhái nhãn mác của Công ty Phân bón Bình Điền, Lâm Thao, Phân bón Miền Nam, Năm Sao, Quế Lâm. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tổng hàm lượng chất lượng chỉ có 2,99% trong khi trên bao bì ghi 53%. Nhiều công ty “lạ” còn kinh doanh phân DAP, kali, SA nhái nhãn mác của các công ty: Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp TSC Cần Thơ, Vinacam, Vật tư Nông sản, Hà Anh. Những loại phân bón này cho kết quả dinh dưỡng thấp: kali trên bao bì ghi 60%, thực tế còn 12%, DAP ghi 64% còn 18%, SA ghi 24% còn 8%. Nguyên liệu chủ yếu từ bột gạch, bột đá, đất sét, bột cao lanh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện, bắt giữ hàng trăm bao urê kém chất lượng nhập từ Trung Quốc, chuẩn bị thay bao bì giả nhãn hiệu Đạm Phú Mỹ, Hà Bắc, Cà Mau.
Cây trồng chết hàng loạt
Các công ty, cơ sở sản xuất phân bón dỏm đang hoành hành dữ dội. Họ cũng làm đầy đủ các bước như những công ty lớn, trong đó có cả việc “gom” nông dân để tổ chức hội thảo đầu bờ, mời cả hội nông dân ở địa phương tham gia để tạo niềm tin với nông dân. Công ty VD TP HCM còn thuê một quán cà phê ở Tiền Giang để tổ chức hội thảo thuyết trình về phân bón đặc hiệu. Nông dân mua về bón cho hoa thì 5.200 giỏ hoa và nhiều diện tích hoa màu bị chết.
Công ty Thabico (Tây Ninh) nhờ hội nông dân huyện Cư Jút tập hợp nông dân giới thiệu phân bón ưu việt và biếu tặng cho nông dân dùng thử thấy có hiệu quả. Đến khi nông dân mua với số lượng hơn 100 tấn về bón cho cà phê, bắp thì cây rụng lá và chết hàng loạt. Nông dân lấy mẫu đi kiểm tra, kết quả dinh dưỡng tương đương với... đất.
Các công ty làm ăn gian dối còn thông qua hợp đồng tín chấp, được giới thiệu từ hội nông dân để gây dựng lòng tin. Chẳng hạn, Công ty CP Quốc tế Động Trung với loại phân bón đa yếu tố bán cho nông dân 140 tấn, chỉ sau 2 tuần, cà phê và bắp đều bị chết. Công ty Việt Thái (Bình Dương) bán cho nông dân hơn 100 tấn bón cho bắp, bắp chết không còn cây nào. Công ty Vi Dân liên kết với hội nông dân địa phương tổ chức hội thảo đầu bờ, sau đó tổ chức đại trà bán phân bón lân đỏ. Nông dân mua về bón, chỉ sau 1 tuần, 30.000 giỏ hoa và nhiều diện tích hoa màu bị chết. Công ty Miwon sản xuất phân bón MVL dạng nước, nông dân mua về bón cho cây cũng chết gần hết, số còn lại thì èo uột...
Bài và ảnh: LONG GIANG