Mặc dù các lực lượng chức năng đã không ngừng kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn “tuồn” ra thị trường và diễn biến phức  tạp.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.100 cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón, trong đó, có trên 250 đại lý kinh doanh lớn.

Theo cơ quan chức năng, vi phạm trong kinh doanh phân bón trên địa bàn thường rơi vào các lỗi như không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón…


Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng phân bón tại một cửa hàng ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp. 

Đáng nói nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển phân bón giả, kém chất lượng. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều đại lý phân phối cố tình cung ứng phân bón ra thị trường không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng đúng theo quy định. Một số đại lý còn nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng về bán lại để trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chỉ riêng trong tháng 7-2016, Đoàn liên ngành số 30 của tỉnh đã phát hiện 2 vụ vận chuyển phân bón lậu, kém chất lượng, tịch thu gần 24  tấn phân và xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng. Vụ thứ nhất: xe ôtô tải đầu kéo BKS 78C 045.39 vận chuyển 13.750 kg phân bón NPK 16-16-8-13S+TE do Công ty TNHH MTV Minh Tân nhập lậu từ Philippines, có khối lượng 13.750 kg, xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng trên. Vụ thứ hai: xe ôtô tải mang BKS 82C 029.19 vận chuyển 26.700 kg phân bón NPK của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam sản xuất, trong đó có 10.000 kg đã hết hạn sử dụng. Qua đấu tranh, phát hiện Công ty TNHH Khánh Hiền (tỉnh Gia Lai) kinh doanh số phân bón quá hạn sử dụng này và đang trên đường vận chuyển về tiêu thụ tại Đắk Lắk. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính công ty này 100 triệu đồng, đồng thời tịch thu số hàng trên để tiêu hủy theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT và Đoàn kiểm tra liên ngành số 30 của tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 19 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 630 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 150 triệu đồng.
 
Trên thực tế, mỗi năm Chi cục QLTT phát hiện và tịch thu hàng chục tấn phân bón giả, kém chất lượng, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng trong khi đó, các đối tượng kinh doanh gian lận vẫn không ngừng tìm mọi cách để cung ứng mặt hàng này ra thị trường… Theo Chi cục QLTT, trong các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này trên phạm vi toàn tỉnh, hầu như đợt nào cũng phát hiện vi phạm. Nhất là vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng mặt hàng này tăng cao khiến tình trạng vi phạm càng có cơ hội gia tăng. Mặt hàng này phần lớn được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Thủ đoạn “tuồn” hàng hóa vi phạm của gian thương gần đây cũng trở nên tinh vi hơn trước. Thông thường, phân bón kém chất lượng rất ít khi được bày bán mà được cất giấu kỹ, chủ hàng không trực tiếp giao dịch tại địa điểm kinh doanh mà chỉ liên lạc qua điện thoại, khi có khách hàng mua là vận chuyển tới tận nơi giao hàng. Ngoài ra, những đối tượng trên còn sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm hợp thức hóa hàng hóa vi phạm và trốn thuế.


Kiểm tra về hóa đơn, chứng từ trong kinh doanh phân bón.  

Trước tình hình trên, Chi cục QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, trong đó, chú trọng khâu lưu thông, nhất là các phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ, cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn tin cơ sở… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT thì phân bón kém chất lượng được làm rất tinh vi từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ, do đó ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, bản thân người tiêu dùng khi chọn mua phân bón nên chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì và nên chọn mua ở các đại lý đáng tin tưởng. Đặc biệt, người mua phải lấy hóa đơn, chứng từ mua bán để có cơ sở khiếu kiện sau này nếu phát hiện vi phạm.  

Trâm Anh