(ĐTTCO)-Không phải là vấn đề mới, nhưng nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiếp diễn, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng cây trồng, mà còn tác động đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thiệt hại từ vấn nạn này lên đến 2,6 tỷ USD/năm, như số liệu tại hội nghị “Phân bón giả, thiệt hại thật” do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) vừa tổ chức.
Không chỉ thất thoát 2,6 tỷ USD
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), con số trên chỉ mới tính là thiệt hại do lượng tiền mất đi vì chưa cân xứng với chất dinh dưỡng cây trồng, lẽ ra phải có trong các sản phẩm phân bón mà bà con nông dân mua. Còn phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm chính xác được như phân bón giả, kém chất lượng khiến cây trồng không đạt năng suất như kỳ vọng, cây bị nhiễm sâu bệnh nhiều hơn làm tăng chi phí phòng trị bệnh.
Chi phí tăng lên mà thu nhập thấp xuống làm lợi nhuận vụ mùa bị sụt giảm. Điều nguy hại hơn, phân bón giả hay phân bón kém chất lượng sẽ đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Chất độc từ phân bón giả bị mưa làm cuốn trôi ra kênh mương hoặc ngấm xuống tầng nước ngầm gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, do nước ngầm bị nhiễm kim loại nặng và hàm lượng Nitrate cao có thể dẫn đến ung thư. Nếu dùng để xuất khẩu thì ảnh hưởng tới uy tín nông sản Việt.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, có khoảng 7.000 chủng loại phân bón như: Phân hóa học, phân hữu cơ, phân hữu cơ - khoáng, phân vi lượng, phân bón dưới rễ, phân bón lá...
Mỗi năm có khoảng 3.000 vụ vi phạm được phát hiện, con số thực tế còn nhiều hơn. Khi các nghị định về quản lý phân bón thay đổi trong vài năm trở lại đây, từ Nghị định 113 đến 191 và nay là Nghị định 202, vô tình tạo những khoảng hở trong thời gian đầu khi có sự phân chia quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ và công nhận nhóm phân bón mới (như phân vi lượng, phân bón khác), nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn và phương pháp thử đi kèm. Với số lượng các chủng loại phân bón lớn như vậy, không dễ dàng cho công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân, làm cho việc thanh tra, kiểm tra trở nên bất cập, kể cả những phát sinh tiêu cực.
Vì vậy, thị trường phân bón tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả, nhái hay giả mạo nhãn hiệu và thương hiệu phân bón uy tín khác. Trong đó, phổ biến là loại phân kém chất lượng, chỉ còn 10% - 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố tiêu chuẩn cơ sở.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng vấn nạn phân bón giả không chỉ làm tiền mất mà còn tật mang. Phạt thì vẫn phạt (nhẹ), nhưng lợi nhuận quá cao nên người bất chính vẫn tìm cách làm. Ở một số địa phương, các hội đoàn thể còn vô tình tiếp tay cho phân bón giả, phân kém chất lượng. Bất cập về quản lý đổ lên đầu nông dân khi phải chịu những thiệt hại như trên.
Tự cứu
Trước tình trạng này, người nông dân cần tự bảo vệ mình trước. Điều cần nhớ là đừng ham rẻ, vì “tiền nào của đó”. Vì vậy, khi mua hàng hãy yêu cầu có hóa đơn, cũng như nắm chắc tên, địa chỉ người bán hàng, giữ lại hóa đơn, chứng từ. Theo ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389, trong quá trình sử dụng nếu có dấu hiệu khác thường hay cảm thấy không an tâm cần báo cơ quan chức năng và cung cấp các thông tin có được càng rõ ràng càng tốt, nếu có điều kiện nên chụp lại hình ảnh về bao bì...
Nhưng điều trước tiên là nên mua phân bón tại các đại lý uy tín, yêu cầu xuất hóa đơn, giữ lại 1kg cho mỗi bao, kể cả giữ lại bao bì để phòng khi có bất trắc sẽ còn vật chứng để đối chiếu.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết không thể phân biệt phân bón giả hay kém chất lượng bằng mắt thường, nên việc giữ lại những vật chứng là điều cần làm. Cũng nên đề phòng tình trạng người bán mang đến tận vườn giới thiệu là phân bón nhập khẩu từ nước ngoài với bao bì rất bắt mắt; tuyệt đối không mua các loại phân bón hoặc các chế phẩm từ những người bán dạo.
Mặc dù trước đó có thể đã làm thử nghiệm trên một vài cây và thấy tốt, nhưng khi mua là sẽ gặp sản phẩm kém chất lượng. Chọn mua phân bón của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, được người địa phương sử dụng trước đó. Lựa chọn đại lý có uy tín ở địa phương và chỉ mua những loại phân bón đã biết rõ, không nghe theo lời chỉ dẫn của đại lý với những loại sản phẩm chưa hề biết.
Nếu nghi ngờ thì chỉ mua một ít và tự thử bằng các cách: Cho phân vô cốc thủy tinh rồi quậy, nếu tan hết dù có thể còn lắng cặn hoặc chưa tan nhưng khi bóp nhẹ thì tan vụn ra là đạt, nếu bóp mà dẻo quẹo là do phân giả bị trộn đất sét. Bón thử trên rau ăn lá, sau 3 - 5 ngày nếu chất lượng tốt thì cây rau xanh mướt; phân kém chất lượng hay giả thì sẽ không có thay đổi, thậm chí lá vàng, thối rễ.
Nếu loại phân đơn, ví dụ phân Kali đỏ dạng bột khi bỏ vô cốc nước quậy lên phân sẽ tan nhanh và có màu hồng đỏ nhạt hoặc màu hồng, có váng trên miệng cốc. Nếu là phân giả thì khi quậy sẽ có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, tan không hết, có lắng cặn và không nổi váng, vì loại này đã được trộn bột gạch non hoặc bột đất cát đỏ.
Chú ý, phân SA (NH4S04) hay NH4Cl dạng hạt màu trắng đục rất giống hạt urê nhưng chất lượng chưa bằng 50% phân urê. Vì vậy, cần cảnh giác để không mua phải phân bón giả hoặc kém chất lượng. Nếu nghi ngờ, bà con hãy báo cho chính quyền địa phương, thanh tra Sở NN-PTNT hay lực lượng quản lý thị trường.
Đăng Lãm (Theo saigondautu.com.vn)