Nằm trong tiểu vùng khí hậu phức tạp như Quảng Bình, nên việc sử dụng một giống lúa trong thời gian dài sẽ hạn chế rất nhiều đến khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết, hiệu quả SX thấp, không thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Nông dân sẽ được hưởng lợi nếu có giống lúa chất lượng cao
Lý giải, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, tập đoàn giống đưa vào khảo nghiệm thì khá nhiều. Nhưng tỷ lệ giống mới phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai, khí hậu... đạt thấp. Một số giống mới đưa vào SX nhanh chóng thoái hóa, tính ổn định giảm. Thêm vào đó là giá thóc không cao nên nông dân chưa mạnh dạn bỏ tiền ra mua giống mới.
Trên thực tế ở nhiều huyện vẫn còn tình trạng trên cùng xứ đồng bố trí gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau nên việc thâm canh cũng lệch nhau, dễ phát sinh sâu bệnh. Cá biệt, những địa phương trồng lúa để tự cung tự cấp lương thực, thường nông dân ít quan tâm chất lượng giống mà tự để giống từ vụ này sang vụ khác. Ông Phan Xuân Tân, nông dân xã Gia Ninh (Quảng Ninh), bộc bạch: “Bà con ai cũng muốn mua giống mới. Nhưng giá cả còn cao nên đành dùng giống cũ vậy”.
Theo nhiều nông dân, qua mấy vụ gần đây, một số giống lúa như VN20, X21, X23, KD18, HT1... nguy cơ nhiễm sâu bệnh rất cao. Nhóm dịch bệnh thường gặp là rầy nâu, đạo ôn lá… Có vụ phun thuốc BVTV 2-3 lần mới hết, chi phí SX tăng thêm. Trong khi đó, việc đưa các giống lúa mới có chất lượng cao, tính chống chịu tốt thay dần các giống cũ còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là công tác khảo nghiệm, SX thử và đánh giá tính thích ứng của các giống lúa chưa kỹ càng. Nhiều DN ngoài tỉnh đưa giống khảo nghiệm về địa phương theo kiểu chăm chăm bán giống chứ chưa đồng hành cùng nông dân.
Ông Lê Văn Dực, GĐ HTX Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), đưa giống mới về địa phương nhưng gieo cấy bị mất mùa, DN tìm cách đổ riệt cho thiên tai rồi một đi không trở lại. “Có DN hứa nếu mất mùa sẽ hỗ trợ nông dân. Nhưng khi chuột phá hết do lúa trỗ trước thời vụ thì gọi điện không nghe máy chứ nói chi hỗ trợ, họ ở xa hàng trăm cây số mần răng mà tìm được”, ông Dực bực bội.
Cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp DN ngoài tỉnh đưa giống mới vào Quảng Bình trình diễn, khảo nghiệm nhưng không thông qua ban ngành chức năng tỉnh. SX thử nhưng kết thúc vụ gieo cấy không báo cáo cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho công tác theo dõi, đánh giá chất lượng giống lúa mới.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phan Văn Khoa, GĐ Sở NN- PTNT tỉnh cho rằng, công tác giám sát của các cơ quan chuyên môn còn thiếu chặt chẽ. “Ngành NN - PTNT cần tăng cường phối hợp với các huyện trong kiểm tra, giám sát quá trình khảo nghiệm, SX thử, trình diễn các giống lúa mới của các DN triển khai trên địa bàn. Cuối mỗi vụ SX, Sở chủ động tổ chức các đoàn đi thăm quan, đánh giá, lựa chọn giống mới ưu việt, đồng thời đưa ra khỏi cơ cấu những giống nhiễm sâu bệnh nặng, thoái hóa về di truyền, năng suất, chất lượng không ổn định", ông Khoa chỉ đạo.
Ông Phan Văn Khoa nhấn mạnh: “Một việc cần làm nữa là thường xuyên kiểm tra tình hình SX, kinh doanh giống cây trồng của các đơn vị để bảo đảm chất lượng giống lúa cung ứng ra. Trước mỗi vụ SX, ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có cơ sở xây dựng cơ cấu giống lúa cho từng xứ đồng. Qua đó, quản lý chặt chẽ hơn về going lúa”.
HOÀNG NGUYỄN (Nông Nghiệp Việt Nam)